Cần chế tài xử lý nghiêm

08:59 - Thứ Năm, 29/10/2020 Lượt xem: 6450 In bài viết

ĐBP - Luật Giao thông đường bộ cho phép người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc điều khiển loại phương tiện này còn những bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông bởi đây là loại phương tiện không yêu cầu người điều khiển phải có giấy phép lái xe, nên phần lớn người đi xe đều là các thiếu niên chưa hiểu luật giao thông, ý thức tham gia giao thông chưa cao.

Học sinh điều khiển xe dưới 50cm3 tại Trường THPT xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên).

Vi phạm phổ biến

Hàng ngày, không khó để bắt gặp những chiếc xe dung tích dưới 50cm3 mang biển kiểm soát (BKS) AA lưu thông trên các tuyến đường. Tại nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, loại xe dưới 50cm3 đang dần chiếm ưu thế và được nhiều học sinh sử dụng bởi những đặc tính vượt trội so với các loại xe đạp điện, xe máy điện, như: Không phải sạc điện, thay ắc quy, và đặc biệt các em học sinh THPT từ 16 tuổi trở lên đều có thể điều khiển được mà không cần có giấy phép lái xe.

Có mặt tại khu vực một trường THPT trên địa bàn thành phố vào giờ tan học buổi trưa, theo ghi nhận của phóng viên, trong khi phần lớn học sinh điều khiển xe máy BKS AA chấp hành nghiêm chỉnh các quy định ATGT thì cũng không hiếm gặp trường hợp vi phạm một cách ngang nhiên. Một số học sinh điều khiển xe máy BKS AA đi thành tốp, dàn hàng ngang, có em lái xe một tay, vừa đi vừa cười đùa…

Thượng tá Trần Văn Vang, Phó phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Các loại xe máy điện, xe máy dung tích xi lanh dưới 50cm3 được sử dụng chủ yếu bởi học sinh, sinh viên tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đây là nhóm tuổi còn bồng bột, thích thể hiện cái tôi. Trong khi đó, kỹ năng lái xe, xử lý tình huống, am hiểu luật giao thông gần như không có nên thường xuyên vi phạm, thậm chí chủ động vi phạm.

Ðiều đáng nói, dù có dung tích thấp nhưng các loại xe dưới 50cm3 đều có thể di chuyển với tốc độ lên đến 80km/giờ. Lợi dụng điều này, nhiều thanh thiếu niên đã tổ chức đua xe, lạng lách, nẹt pô… gây mất trật tự ATGT.

Ðiển hình, đầu tháng 5 vừa qua, Công an TP. Ðiện Biên Phủ triệu tập Thùng Trung Kiên (SN 2003) và Hà Minh Tuấn (SN 2003, thường trú phường Nam Thanh) là 2 đối tượng  thường xuyên sử dụng xe máy để bốc đầu, lạng lách, đánh võng, nẹt pô... tại các đoạn đường vắng như khu vực sân bay, đầu thành phố, huyện Ðiện Biên, dùng điện thoại ghi hình lại và tung clip lên các trang mạng xã hội để “câu like”. Tiếp tục đấu tranh, lực lượng chức năng sau đó xác định nhóm 12 học sinh thuộc các trường THCS trên địa bàn huyện Ðiện Biên thường xuyên tụ tập.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Xe máy dung tích xi lanh dưới 50cm3 chủ yếu do thanh thiếu niên, học sinh THPT sử dụng. Ðơn cử, tại Trường THPT xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên), năm học 2020 - 2021 có hơn 660 học sinh đăng ký gửi xe, trong đó có trên 400 học sinh có xe máy dưới 50cm3; tại Trường THPT Phan Ðình Giót (TP. Ðiện Biên Phủ) có hơn 110 học sinh đi xe biển AA; còn tại Trường THPT Nà Tấu cũng có trên 110 học sinh đi xe biển AA tới trường.

Việc thanh thiếu niên, học sinh sử dụng, điều khiển xe dưới 50cm3 đang có nhiều bất cập do luật cho phép người điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 không cần giấy phép lái xe. Ðiều này có nghĩa người điều kiển xe biển AA chưa được đào tạo kỹ năng lái xe, chưa hiểu luật giao thông dẫn đến dễ vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Ðiển hình nhất là các lỗi: Ði ngược chiều, lấn làn, đi vào làn đường dành riêng cho ô tô và nhất là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…

Tuy nhiên, theo Thượng tá Trần Văn Vang, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các phương tiện này gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Ðiều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Thực tế, có rất nhiều học sinh dưới 16 tuổi đã đi xe gắn máy dưới 50cm3 đến trường và vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, tuy nhiên chế tài xử lý hiện còn rất nhiều bất cập. Bởi, Ðiều 21, Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới quy định rõ: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. Như vậy, người dưới 16 tuổi điều khiển phương tiện vi phạm sẽ không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo; còn từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải nộp 50% tiền phạt áp dụng với người thành niên. Thực hiện công tác tuyên truyền cảnh sát giao thông chủ yếu phối hợp với nhà trường tuyên truyền đến học sinh, còn chưa thể tuyên truyền đến các bậc phụ huynh. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe gắn máy dung tích xi lanh dưới 50cm3 vi phạm luật giao thông, gây TNGT trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng thì trách nhiệm của nhà trường và các bậc phụ huynh rất quan trọng. Khi giao xe cho con em, các phụ huynh cần hướng dẫn, giám sát chặt chẽ.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top