Mường Ảng nỗ lực giảm nghèo bền vững

10:08 - Thứ Hai, 02/11/2020 Lượt xem: 6134 In bài viết

ĐBP - Là huyện nghèo của tỉnh, thời gian qua, Mường Ảng đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án, trong đó có Chương trình 30a, Chương trình 135. Ðể thực hiện hiệu quả các chương trình này, huyện tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung các nguồn lực hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước; gắn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM).

Giai đoạn 2014 - 2019, đã có gần 2.600 hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ trâu, bò, dê; gần 600 hộ được hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất; hỗ trợ trồng mới, trồng giặm trên 1.600ha cây cà phê; hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã: Mường Lạn, Mường Ðăng, Ẳng Cang… Ðến nay, 100% tuyến đường đến trung tâm xã được thông suốt; trên 25% chiều dài đường nội bản được cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân; trên 94% số hộ dân được dùng điện lưới; 95% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh... Ước đến hết năm 2020 số tiêu chí NTM bình quân các xã đạt 11,7 tiêu chí/xã, huyện có 1 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, 1 xã được UBND tỉnh công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2019, các xã còn lại đạt từ 5 - 12 tiêu chí; cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Lãnh đạo huyện Mường Ảng thăm mô hình cây ăn quả của người dân xã Ẳng Cang.

Ðến xã Ẳng Nưa hôm nay, điều dễ nhận thấy là diện mạo nông thôn mới đã có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2019 đã giảm còn 9,43%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm, lương thực bình quân đầu người 413kg/người/năm. Bà Lò Thị Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cho biết: Giai đoạn 2014 - 2019, nhiều hộ dân trên địa bàn được hỗ trợ trâu, bò, máy móc và cây trồng để xóa đói giảm nghèo. Xã luôn thực hiện hỗ trợ theo nguyện vọng của bà con; đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng phương pháp để phát huy hiệu quả tối đa nguồn hỗ trợ, giúp xóa đói giảm nghèo.

Là một trong những hộ được thụ hưởng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chị Lò Thị Chung, ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa đã được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, hỗ trợ vay tiền làm nhà ở, được tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ những sự giúp đỡ này, gia đình chị đã vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng được ngôi nhà kiên cố, năm 2018 gia đình chị đã tự viết đơn xin thoát nghèo. Chị Chung chia sẻ: Qua chính sách, sự hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, tôi tự thấy bản thân phải cố gắng nhiều hơn. Mục tiêu thoát nghèo trước mắt đã hoàn thành, giờ đây, tôi và gia đình sẽ cố gắng hơn nữa để có cuộc sống ổn định hơn.

Dù chưa phát triển như xã Ẳng Nưa, song vài năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn ở xã Nặm Lịch có nhiều thay đổi. Ðiển hình như bản Lịch Nưa, trước đây, cuộc sống của bà con trong bản gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, không có điện lưới quốc gia. Thời gian qua, được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, từ các chương trình như: 135, 30a, chương trình xây dựng NTM… bản Lịch Nưa được hỗ trợ nhiều công cụ sản xuất (máy xát thóc, máy phay, máy tuốt ngô, tuốt lúa…). Khi có những công cụ này, bà con đã sử dụng có hiệu quả vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động. Ðến nay, trong tổng 67 hộ, trên 300 nhân khẩu, Lịch Nưa chỉ còn 14 hộ nghèo.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Ðảng và Nhà nước, hàng năm, ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp ở huyện đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo; tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu giảm nghèo. Bà Bùi Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nhận định: Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ bản đã giải quyết được những vấn đề cấp bách nhất của huyện nghèo (điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà ở); hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm; hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu thiết yếu cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả các dự án, tiểu dự án của chương trình trên địa bàn huyện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 54,91% (năm 2015) xuống còn 30,85% (năm 2019); bình quân giảm 6%/năm, đạt 150% mục tiêu giảm nghèo theo Quyết định số 1722/QÐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ và đạt mục tiêu nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện đã có 2.466 hộ thoát nghèo, cận nghèo; ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 27%.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top