Tủa Chùa thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

09:00 - Thứ Tư, 11/11/2020 Lượt xem: 5928 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Tủa Chùa được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân 4,2%/năm, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Mô hình hỗ trợ giống lúa từ Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được thực hiện tại xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa).

Ông Thào A Lử, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa cho biết: Tủa Chùa là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn; có 11 xã, 1 thị trấn với 121 thôn bản, tổ dân phố, trong đó: 11 xã và 1 thôn của xã khu vực II thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 99,9% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Trong những năm qua, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác dân tộc, các chính sách dân tộc bằng nhiều hình thức khác nhau (trong các hội nghị, cuộc họp, bằng văn bản, phát thanh, truyền hình, pano…). Quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án chính sách dân tộc luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện. Nhờ đó các công trình, đối tượng thụ hưởng, hạng mục hỗ trợ thuộc các chương trình, dự án khác nhau triển khai trên cùng một địa bàn không có sự trùng lặp, chồng chéo. Huyện cũng triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình khác nhau (30a, 135, nông thôn mới) để thực hiện hiệu quả các nội dung đầu tư, hỗ trợ.

Từ nguồn vốn các chương trình 30a, 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới… huyện Tủa Chùa đã thực hiện đầu tư mới 55 công trình thủy lợi, giao thông, giáo dục, nhà văn hoá; duy tu sửa chữa 20 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tại địa bàn dân tộc thiểu số. Ðồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ máy, thiết bị phục vụ sản xuất tại vùng đồng bào DTTS; điển hình như 35 mô hình phát triển sản xuất (khoai tây, gà lai chọi, ngan Pháp, vịt bầu lai, dê, cá, bò, gà lương phượng…), 10 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (lợn, gà giống nội, dê sinh sản, cá hệ VAC…) cho bà con DTTS trên địa bàn. Những công trình, thiết bị được hỗ trợ đã góp phần tạo sinh kế, thay đổi tư duy sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho người DTTS. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho DTTS nói riêng, trên địa bàn toàn huyện nói chung.

Ðể người dân sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ví dụ như các loại giống nông nghiệp mới (ngô lai LVN10, lúa Khang dân 18TW, IR64, Bắc thơm số 7ÐP, đậu tương DT84…), huyện đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 100% học viên tham gia là người DTTS. Ðồng thời Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất ưu đãi. Nhiều lao động sau khi học nghề, được vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất đã áp dụng kiến thức được học vào sản xuất, tăng năng suất, giá trị, tạo thu nhập ổn định.

Ông Lò Văn Phanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Sau nhiều năm thực hiện, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được bà con đánh giá là chương trình hợp lòng dân. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn các xã đặc biệt khó khăn.

Ðể thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện kịp thời, đúng đối tượng, trong thời gian tới, trước hết cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục có phương pháp tuyên truyền phù hợp để người dân hiểu và tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện và hưởng thụ các chương trình, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Ðồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; triển khai hiệu quả các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con DTTS phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top