Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

09:04 - Thứ Hai, 16/11/2020 Lượt xem: 5589 In bài viết

ĐBP - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) thời gian qua được các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLÐ từng bước được nâng cao, môi trường, điều kiện lao động không ngừng được cải thiện, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, công tác ATVSLÐ ở một số cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực ngoài quốc doanh còn bộc lộ nhiều thiếu sót, cần khắc phục để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Công nhân Công ty TNHH Trường Thọ Ðiện Biên thi công mặt đường trên tuyến quốc lộ 12, đoạn qua xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông). 

Việc chấp hành pháp luật về ATVSLÐ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thời gian qua còn hạn chế. Vụ tai nạn nổ mìn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đầu tháng 6/2020 tại Mỏ đá bản Ka Hâu, xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) của Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh làm 3 người chết là hồi chuông cảnh báo về thực trạng thiếu quan tâm đến công tác ATVSLÐ, cùng với đó là tâm lý chủ quan dễ dãi của người lao động. Họ dễ dàng chấp nhận đánh đổi sức lao động, tính mạng chỉ để có một công việc. Do đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền, vận động để cả người sử dụng lao động và người lao động đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo ATVSLÐ. Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian qua chủ yếu do người sử dụng lao động chưa chủ động, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật về ATVSLÐ của người lao động. Bên cạnh đó người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng; ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLÐ còn hạn chế, thường xuyên vi phạm các quy định về ATVSLÐ. Thiếu chủ động trong phòng ngừa tình trạng mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khi công tác quản lý nhà nước về ATVSLÐ tuy có sự phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Chính vì vậy để phòng ngừa giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLÐ nhằm giúp người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân nắm được các kiến thức, kỹ năng, biện pháp phòng tránh tai nạn lao động, bệnh tật. Nhất là khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc khi sử dụng, vận hành các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLÐ. Cùng với đó Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện công tác ATVSLÐ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thường xảy ra tai nạn, như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất gạch, cơ khí, luyện kim... và các doanh nghiệp có sử dụng nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thông báo công khai các vi phạm nghiêm trọng trong công tác ATVSLÐ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ðẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLÐ tại nơi làm việc, Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLÐ; chú trọng tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế công việc của người lao động; giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLÐ. Hướng dẫn, phổ biến đến công đoàn cơ sở về mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho người lao động tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất ATVSLÐ tại nơi làm việc và đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp bảo đảm ATVSLÐ. Ðặc biệt chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLÐ, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm ATVSLÐ tại nơi làm việc cho cán bộ công đoàn và người lao động. Xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLÐ tại nơi làm việc; thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tại doanh nghiệp theo quy định, đảm bảo 100% công đoàn cơ sở có lực lượng an toàn, vệ sinh viên. Ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh cho biết, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLÐ để kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục các vi phạm, các nguy cơ mất ATVSLÐ; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định để khắc phục các tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc việc thực hiện pháp luật về ATVSLÐ. Ðặc biệt là các cấp công đoàn phát động, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top