Kiểm soát ngộ độc từ rượu ngâm

07:31 - Chủ Nhật, 22/11/2020 Lượt xem: 6572 In bài viết

ĐBP - Trong y học cổ truyền, rượu ngâm là một trong những bài thuốc được các lương y áp dụng trong chữa bệnh. Thế nhưng, những năm gần đây tình trạng người dân tự ý ngâm rượu với nhiều loại rễ, củ, quả, cây rừng hay động vật… đang diễn ra phổ biến. Ðã có nhiều lời cảnh báo về tác hại và những trường hợp bị ngộ độc rượu ngâm nhưng không ít người vẫn phớt lờ.

Nhiều loại cây rừng để ngâm rượu được bày bán tại chợ phiên thị trấn Tủa Chùa. Ảnh: MAI PHƯƠNG

“Rượu bổ” không rõ nguồn gốc

Hàng tuần phiên chợ đêm diễn ra từ chập tối thứ 7 đến ngày chủ nhật tại thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa lại tấp nập người bán và những người đến xem, mua hàng. Trong số đó có không ít người tin vào lời đồn về các loại thực vật, động vật có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa bách bệnh đã đổ xô tìm kiếm, sưu tầm các “sản vật quý” để ngâm rượu uống. Tại chợ phiên, dễ dàng tìm thấy nhiều loại cây, củ quả như: Na rừng, ngọc cẩu, sâm đương quy, sâm cau, ba kích, tắc kè… của người dân địa phương và một số lái buôn đem đến chợ bán với mức giá dao động từ 20.000 - 150.000 đồng/kg.

Tại các cửa hàng tạp hóa khu vực chợ Trung tâm 1 (TP. Ðiện Biên Phủ) trưng bày nhiều bình rượu kích cỡ khách nhau ngâm các loại rễ, củ, quả, động vật, côn trùng… Các chủ cửa hàng cho biết, họ nhập rượu từ các lò nấu rượu truyền thống. Còn chất lượng, tác dụng của các loại rượu ngâm này, theo lời người bán thì… rất bổ!?

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý. Trong đó, 38 cơ sở sản xuất rượu thủ công, 73 cơ sở bán lẻ rượu, 68 cơ sở bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ. Trong khi nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công chưa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm thì người dân vẫn mua về ngâm các loại dược liệu, củ, quả… nhiều loại cây trong tự nhiên. Trên thực tế, có nhiều người do nghe đồn thổi nên đã tự ý ngâm các loại củ, rễ cây rừng không rõ nguồn gốc, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngộ độc. Ðơn cử như 2 người trên địa bàn huyện Tủa Chùa ngộ độc rượu ngâm dẫn đến tử vong; hay năm 2019, trên địa bàn huyện Tuần Giáo cũng xảy ra 1 vụ ngộ độc do uống rượu ngâm cây thuốc không rõ nguồn gốc, khiến 13 người phải cấp cứu.

Tăng cường kiểm soát

Ðể phòng tránh ngộ độc từ các loại rượu có methanol, rượu ngâm không rõ nguồn gốc, hàng năm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) đều phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát rượu, bia tại các nhà hàng ăn uống, cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “10 tháng qua, Chi cục đã kiểm tra, giám sát định kỳ hơn 1.800 lượt cơ sở, trong đó 1.780 lượt cơ sở đạt yêu cầu. Ngoài 5 trường hợp tử vong do ăn nấm bị ngộ độc ở huyện Nậm Pồ, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do rượu. Song không vì thế mà chủ quan. Thực tế tình trạng ngộ độc rượu thường gặp ở 2 loại rượu ethanol và methenol nhưng ngộ độc từ các loại rượu ngâm các loại cây không rõ loại nguồn gốc, cây có chứa độc tố tự nhiên gây nguy hiểm khôn lường cho người sử dụng. Bởi vậy, trong mỗi đợt kiểm tra, kiểm soát chúng tôi đều kết hợp tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên uống rượu ngâm với thực vật, động vật khi không rõ độc tính.”.

Vừa qua Sở Công Thương đã triển khai 3 đợt kiểm tra, kiểm hậu tình hình thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Trong đó đã kiểm tra thực tế 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, gồm 30 cơ sở sản xuất rượu thủ công, 6 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ðồng thời tiến hành lấy 30 mẫu rượu tại các cơ sở để kiểm định (10 mẫu tại TP. Ðiện Biên Phủ, TX. Mường Lay 3 mẫu; Ðiện Biên 3 mẫu, Ðiện Biên Ðông 3 mẫu, Mường Chà 3 mẫu, Mường Nhé 1 mẫu, Mường Ảng 3 mẫu và Tuần Giáo 5 mẫu). Kết quả các mẫu rượu có các chỉ tiêu kiểm nghiệm (Etanol; aldehyd; hàm hượng furfural) đều nằm trong giới hạn cho phép quy định tại TCVN 7043: 2013. Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn kiểm tra thì nên cạnh một số cơ sở sản xuất rượu thủ công chấp hành tốt các quy định về quy trình, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì còn không ít cơ sở chưa đảm bảo nguyên tắc “một chiều” trong sản xuất thực phẩm, chưa đạt khoảng cách an toàn với nguồn gây ô nhiễm, chưa có giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, chưa hoàn thiện hồ sơ tự công bố sản phẩm rượu.

Việc ngâm rượu từ các loại thực vật hay động vật thì nguyên liệu đó phải là các dược liệu được chứng minh về khoa học. Việc sử dụng rượu ngâm dược liệu cũng phải chú ý đến chất lượng rượu, ngâm đúng liều lượng, cách thức sử dụng cũng như đúng người, đúng bệnh mới có thể đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc cho người dùng.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top