Ðưa trang sách vươn xa

10:33 - Thứ Bảy, 05/12/2020 Lượt xem: 10973 In bài viết

ĐBP - Ngoài việc phục vụ độc giả đọc, mượn tại chỗ, Thư viện tỉnh còn triển khai các hoạt động phục vụ lưu động, luân chuyển sách báo đến cơ sở để độc giả vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với thông tin và tri thức. Bằng những hoạt động hướng tới cộng đồng, Thư viện tỉnh đã mang lại trải nghiệm đọc sách thú vị cho độc giả, góp phần nâng cao dân trí, từng bước xây dựng văn hóa đọc ở cơ sở…

Xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ độc giả nhí tại Trường Tiểu học số 2 Thanh Yên (huyện Ðiện Biên).

Mang tri thức đến vùng khó

Những năm trước, cán bộ ngành Thư viện tổ chức được hàng trăm lượt phục vụ lưu động về với độc giả vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp đã “phủ bóng đen” ảm đạm lên mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành Thư viện. Yêu cầu giãn cách xã hội, ít tập trung đông người khiến cho tần suất phục vụ của xe ô tô thư viện bị gián đoạn, chậm lại rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Tuy vậy, khi tình hình đã bớt phức tạp hơn, cán bộ thư viện lại tiếp tục rong ruổi trên những chuyến xe mang ánh sáng tri thức tới các miền xa. Mô hình “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” được Thư viện tỉnh tiếp nhận do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện với sự tài trợ của Tập đoàn Vingroup. Xe được trang bị khoảng gần 5.000 cuốn sách, 6 máy tính xách tay, 1 máy chủ cùng với phần mềm, máy chiếu, tivi, máy phát điện, 100 ghế ngồi phục vụ đọc sách và xem tivi, 5 ô loại to, tài liệu điện tử. Cùng với các máy tính kết nối internet và các thiết bị đa phương tiện khác, bạn đọc còn có thể truy cập, tra cứu, lựa chọn sách, tài liệu phù hợp với nhu cầu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình học tập trực tuyến cũng như tìm hiểu tra cứu các nguồn thông tin phục vụ cho việc học tập, giải trí qua mạng, nhằm tiết kiệm đáng kể thời gian. Không chỉ vậy, trong mỗi chuyến đi, Thư viện tỉnh còn luân chuyển, trao tặng các đầu sách hạt nhân để xây dựng thư viện cho cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Thạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: Trước mỗi lần đi phục vụ ở cơ sở, đơn vị lại phải sửa soạn lại các đầu sách để phù hợp với các đối tượng mình hướng tới. Ví dụ như tới với các độc giả nhí ở các trường học thì là sách kỹ năng sống, hạt giống tâm hồn, sách tham khảo để các em phục vụ cho việc học. Phục vụ phạm nhân tại các trại giam thì tập trung vào những cuốn sách có nội dung tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Ðảng và Nhà nước, sách khoa học kỹ thuật… Năm nay do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên từ đầu năm đến nay xe lưu động mới về cơ sở phục vụ được 12 lần. Dịp gần đây nhất là trong đợt hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2020, đơn vị đã tổ chức phục vụ tại 8 trường thuộc TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên… Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ 3 đợt về phục vụ cơ sở nữa. Mỗi lần đi là một trải nghiệm khó quên đối với những người làm thư viện. Bởi nơi xe thư viện hướng đến đều là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi học sinh và người dân ít có cơ hội được tiếp cận với sách và internet. Còn nhớ chuyến đi gần đây, xe thư viện lưu động đa phương tiện lần đầu tiên về với Trường THCS Noong U (xã Noong U, huyện Ðiện Biên Ðông) trong sự chờ đón háo hức của thầy cô giáo và các em học sinh. Các em hào hứng quanh chiếc xe thư viện lưu động, chiêm ngưỡng những gian sách trưng bày ngộ nghĩnh, đẹp mắt và thưởng thức những cuốn sách hay, bổ ích khiến các em rất thích thú. Trước khi chia tay, các em còn lưu luyến nắm tay cán bộ thư viện hỏi: Bao giờ cô chú sẽ quay lại trường chúng cháu? Còn khi phục vụ độc giả đặc biệt, những phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Nà Tấu lại có những ý nghĩa khác. Sách đã giúp cho những người đang bị cách ly khỏi xã hội tăng kiến thức, tư duy và yêu đời hơn khi có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn sau những giờ lao động cải tạo. Có thể thấy rằng, những chuyến xe tri thức đã mang tới không chỉ sách, mà còn “chở” những niềm vui và sự gắn kết mọi người lại với nhau.

Ðể những trang sách vươn xa

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những thay đổi trong đời sống đã đặt ra không ít thách thức cho hoạt động thư viện nói riêng khi thói quen đọc sách truyền thống của cộng đồng đã và đang dần thay đổi. Tuy nhiên, với hoạt động phục vụ lưu động ở cơ sở thì việc đó không hẳn là rào cản. Bà Nguyễn Thị Thạnh tâm sự: Nơi chúng tôi tìm đến đều là những vùng khó, vùng sâu, vùng xa, nơi độc giả thiếu thốn mọi bề, trong đó, chắc chắn là thiếu rất nhiều sách, đặc biệt là các loại sách tham khảo, sách kỹ năng sống cho học sinh. Như trong chuyến phục vụ tại Trường THPT Búng Lao, huyện Mường Ảng, trước lúc chia tay, có thầy giáo của trường ngượng ngùng đề nghị chúng tôi tặng lại một số sách tham khảo sờn gáy, bạc màu. Bởi theo thầy giáo, dù sách đã cũ nhưng những tri thức chứa đựng trong đấy chưa bao giờ là cũ. Ðiều đó đủ thấy ở cơ sở họ vẫn đang “khát” sách như thế nào. Có lẽ đây là động lực để ngành Thư viện chúng tôi nỗ lực duy trì thực hiện việc đưa văn hóa đọc về cơ sở. Thêm nữa, trong một lần đi phục vụ tại Trung đoàn 82, có bạn phóng viên hỏi rằng xe thư viện lưu động phục vụ tại các điểm chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi, một người khó có thể đọc xong cả quyển sách hoặc đọc xong liệu đọng lại được những gì? Câu hỏi đó khiến tôi phải khẳng định lại một lần nữa về ý nghĩa của những chuyến xe này không chỉ mang tới tri thức mà còn giới thiệu giúp độc giả tiếp cận với sách, từ đó khơi dậy niềm đam mê của họ với văn hóa đọc.

Hoạt động phục vụ lưu động bằng xe thư viện đa phương tiện có thể xem là một điểm sáng của ngành Thư viện, có ý nghĩa vô cùng lớn góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy vậy, để những trang sách vươn xa về vùng khó, ngành Thư viện vẫn còn những khó khăn thách thức phải vượt qua. Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Thị Thạnh trăn trở: Nhu cầu ở cơ sở rất nhiều nhưng hiện nay đầu sách để phục vụ còn rất hạn chế. Các đầu sách đã ít, nhưng mỗi lần về cơ sở lại phải lựa chọn cho phù hợp đối tượng phục vụ nên chẳng còn được là bao. Trong khi đơn vị mình là Thư viện tổng hợp, mỗi lần bổ sung cũng phải cân đối giữa các kho sách, loại sách… Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn tiến hành luân chuyển sách theo các chương trình ký kết với các đơn vị phối hợp, như: Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trại giam Nà Tấu, các trường học trên địa bàn… Nhưng số lượng luân chuyển cũng rất ít. Ví dụ như Trại giam Nà Tấu hiện có đến 2.000 phạm nhân nhưng mỗi lần luân chuyển chỉ có khoảng 300 đầu sách. Hay một đơn vị trường học có vài trăm cán bộ, giáo viên, học sinh nhưng mỗi lần luân chuyển chỉ vỏn vẹn 150 đầu sách… Ai cũng nói thư viện sống bằng thông tin, nhưng thông tin nghèo nàn thì chúng tôi sẽ rất khó hoạt động. Qua đây cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới sự nghiệp thư viện để mang lại luồng sinh khí mới cho những chuyến xe chở tri thức về vùng khó, góp phần phát triển văn hóa đọc ở cơ sở.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top