Chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực, hiệu quả

09:12 - Thứ Hai, 07/12/2020 Lượt xem: 6522 In bài viết

ĐBP -  Xác định công tác xã hội và cứu trợ nhân đạo là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ xã hội, kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước.

Nhờ thực hiện tốt cuộc vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thực hiện vượt kế hoạch được giao năm 2020. Trong ảnh: Lực lượng vũ trang tham gia hiến máu tại Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Ðiện Biên”.

Thông qua các cuộc vận động, phong trào như “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”... được tổ chức hàng năm đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, tổ chức, nhà hảo tâm hưởng ứng tham gia. Trong năm 2020, Hội đã vận động và trao tặng trên 18.000 suất quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam; trợ giúp bền vững cho 524 địa chỉ nhân đạo; vận động hỗ trợ xây điểm trường, nhà Chữ thập đỏ, tặng học bổng với trị giá trên 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho 4.238 gia đình, các em học sinh, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 784,4 triệu đồng...

Gia đình anh Bùi Văn Luân (đội 18, xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên), là địa chỉ nhân đạo được nhận trợ giúp thường xuyên trong tháng 7 vừa qua. Anh Luân mang trong mình căn bệnh suy thận mãn, phải chạy thận 3 lần/tuần. Do điều trị bệnh trong thời gian dài (15 năm), trong cơ thể không còn khỏe mạnh, anh bị liệt và không thể lao động được. Nhờ sự kết nối của Hội CTÐ tỉnh, Nhóm Thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” (Hà Nội) đã trợ giúp gia đình anh trong thời gian 1 năm, với số tiền 500.000 đồng/tháng. Qua sự hỗ trợ này, gia đình anh Luân cũng như nhiều địa chỉ nhân đạo khác có thêm động lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Hội CTÐ tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động, chủ động triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, như: Phát hơn 2.000 tờ rơi, cấp phát 21.040 khẩu trang, 780 lọ nước rửa tay sát khuẩn, 1.252 bánh xà phòng...

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc triển khai các hoạt động, phong trào của Hội gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Hội CTÐ tỉnh vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, trong đó tiêu biểu là công tác vận động, thực hiện phong trào “Hiến máu tình nguyện”. Với vai trò là Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện (VÐHMTN), Hội CTÐ tỉnh đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của hoạt động hiến máu tình nguyện, tại các buổi hiến máu đều đảm bảo an toàn theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Ðến hết tháng 11, toàn tỉnh tổ chức được 25 buổi hiến máu với trên 5.000 người tham gia, tiếp nhận 4.862 đơn vị máu; giúp đảm bảo phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động nổi bật trong công tác nhân đạo được Hội CTÐ tỉnh triển khai là mô hình “Chợ nhân đạo” được tổ chức cho 900 hộ dân tại các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà và TP. Ðiện Biên Phủ. Các mặt hàng nhu yếu phẩm, như gạo, mì chính, mì tôm, muối, dầu ăn, xô, chậu... cùng nhiều suất quà đã đến tận tay những gia đình khó khăn; góp phần động viên các hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Với tinh thần cộng đồng, chung sức vì mục tiêu nhân đạo, từ ngày 20/10 -  27/11, Hội CTÐ tỉnh đã vận động được hàng cứu trợ trị giá 440 triệu đồng và gần 180 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ.

Cùng với các cuộc vận động, phong trào lớn, Hội CTÐ các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế, được trang bị kiến thức phòng, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Lò Văn Ðức, Chủ tịch Hội CTÐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội CTÐ tỉnh sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đưa các phong trào nhân đạo đi vào chiều sâu. Tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”... Qua đó tạo niềm tin, động lực cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn yên tâm sinh sống, lao động sản xuất; khẳng định được vai trò của hội, trở thành chỗ dựa tin cậy, cầu nối quan trọng trong công tác nhân đạo.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top