Hiệu quả từ đối thoại trực tiếp với người dân

09:25 - Thứ Hai, 07/12/2020 Lượt xem: 5639 In bài viết

ĐBP - “Là người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, ít có cơ hội để tìm hiểu về  chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT). Qua cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ chuyên môn thì tôi và nhiều chị em tham dự đã hiểu rõ hơn về chính sách này”. Ðó là chia sẻ của chị Lò Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Hạ, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) sau khi tham dự buổi đối thoại về chính sách BHXH, BHYT do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh tổ chức cho hội viên trên địa bàn huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ.

Hội viên phụ nữ đặt câu hỏi về chính sách BHXH tự nguyện tại buổi đối thoại do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh tổ chức. Ảnh: C.T.V

Tham dự buổi đối thoại, ngay sau phần giới thiệu về những nội dung của buổi đối thoại, những quyền lợi của phụ nữ khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, bà Lò Thị May, đội 20, xã Thanh Nưa đã đặt câu hỏi: “Tôi 50 tuổi, nếu tham gia BHXH tự nguyện 20 năm để hưởng lương hưu thì quá lâu, không biết còn sống đến lúc đó được hay không? Tại sao tôi có thẻ BHYT nhưng tôi vẫn phải thanh toán tiền thuốc nếu đi khám và điều trị 2 lần/tháng?” Chị Lò Thị Duyên, bản Nà Lôm cũng có ý kiến: “Gia đình tôi làm nông nghiệp, lúc bán được nông sản thì có tiền đóng bảo hiểm, nhưng khi mùa màng thất bát thì tạm ngừng đóng một thời gian có được không? Khi người tham gia BHXH tự nguyện mà đóng chưa đủ 20 năm, nhưng không may qua đời thì thân nhân được hưởng quyền lợi như thế nào?” Ngoài ra còn nhiều băn khoăn mà chị em quan tâm như: Khi đóng đủ BHXH tự nguyện 20 năm, thì quyền lợi được hưởng là gì? Chế độ nghỉ thai sản và những quyền lợi đối với chị em sinh đôi như thế nào?...

Tất cả những băn khoăn, vướng mắc của người dân đã được cán bộ Sở Y tế, BHXH tỉnh giải đáp cụ thể. Ví dụ: Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện lần đầu ở tuổi 50, để 60 tuổi được hưởng lương hưu thì có thể đóng một lần cho nhiều năm (tối đa là 5 năm), trong thời gian 10 năm người tham gia có thể đóng bảo hiểm đủ 20 năm, điều này luật cho phép. Mỗi lần đóng được Nhà nước hỗ trợ 30% nếu là hộ nghèo; hỗ trợ 25% nếu là hộ cận nghèo và hỗ trợ 10% thuộc các đối tượng khác. Còn đối với việc sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh mà bà May và nhiều chị em quan tâm đã được lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ trả lời, giải thích rõ ràng, đồng thời hướng dẫn chị em cách sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh, khi đi khám, chữa bệnh cần mang những giấy tờ gì... Ðối với trường hợp đang tham gia BHXH tự nguyện nhưng do khó khăn không thể đóng tiếp, được cán bộ chuyên môn giải thích rõ: Theo quy định thì người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều tháng, nhiều năm hoặc có thể đóng từng tháng, từng quý. Trường hợp bị mất mùa, không có tiền đóng thì người tham gia có thể tạm dừng một thời gian sau đó đóng tiếp. Trường hợp người tham gia qua đời khi chưa đóng đủ 20 năm thì người tham gia được hưởng chế độ mai táng phí (10 tháng lương cơ bản); thân nhân của người tham gia được hưởng chế độ tử tuất một lần tính theo năm đã đóng BHXH... Còn đối với quyền lợi được hưởng khi đóng đủ BHXH tự nguyện 20 năm, thì ngoài lương hưu, chế độ tuất người tham gia còn được hưởng các chế độ khác như: Lương hưu và trợ cấp BHXH không phải đánh thuế; lương hưu được điều chỉnh theo quy định (có thể điều chỉnh hàng năm); người hưởng lương hưu không phải đóng BHYT, nhưng vẫn được cấp thẻ BHYT hàng năm.

Nói về hiệu quả buổi đối thoại trực tiếp với cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này, chị Lò Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Hạ, xã Thanh Nưa cho biết: Qua buổi đối thoại, không chỉ tôi mà nhiều chị em khác có mặt đã hiểu rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT và những quyền lợi khi thực hiện; tôi sẽ tuyên truyền cho chị em trong bản và người dân địa phương hiểu và tham gia. Tôi cũng mong sẽ có nhiều cuộc đối thoại như thế này ở nhiều lĩnh vực khác để chị em hiểu hơn về các chính sách của nhà nước. Vừa rồi tôi bị ốm, phải điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hơn một tuần, nhờ có thẻ BHYT mà tôi không phải thanh toán tiền thuốc và các chi phí khác với tổng số tiền lên đến gần 7 triệu đồng; không những thế tôi còn được hỗ trợ 20.000 đồng tiền ăn/ngày.

Bà Lò Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Thực tế rất nhiều chị em phụ nữ thiếu kiến thức về lĩnh vực BHXH tự nguyện, BHYT, những quyền lợi sát sườn của họ. Chúng tôi mong muốn sẽ tổ chức được nhiều buổi đối thoại trực tiếp như thế này, không chỉ đối với chính sách BHYT, BHXH tự nguyện mà nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên do còn hạn chế về kinh phí nên chưa thực hiện được nhiều, đơn cử như buổi đối thoại trực tiếp lần này toàn bộ kinh phí tổ chức do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ.

Mai Khôi
Bình luận
Back To Top