Tủa Chùa không hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề cho LÐNT

09:28 - Thứ Hai, 07/12/2020 Lượt xem: 7294 In bài viết

ĐBP - Năm 2020, huyện Tủa Chùa đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 382 lao động nông thôn (LÐNT). Tuy nhiên, đến nay, huyện mới triển khai được 4 lớp đào tạo nghề cho LÐNT với 132 học viên, đạt 34,5% kế hoạch.

Giờ thực hành của lớp đào tạo nghề Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò tại thôn Ðông Phi, thị trấn Tủa Chùa.

Ông Nguyễn Duy Hiệu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tủa Chùa cho biết: Công tác đào tạo nghề cho LÐNT trên địa bàn huyện năm nay gặp nhiều khó khăn. Sau khi UBND huyện giao chỉ tiêu đào tạo nghề, ngay từ đầu năm, phòng đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo cụ thể theo từng tháng, từng quý với các lớp nghề nông nghiệp. Ðồng thời, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Song việc thực hiện các biện pháp giãn cách, phòng chống dịch Covid-19 nên các lớp dạy nghề tại các xã buộc phải tạm dừng. Ðến cuối tháng 8, huyện mới bắt đầu khởi động lại kế hoạch đào tạo nghề. Ðến nay, toàn huyện mới tổ chức được 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp tại các xã: Mường Báng, Xá Nhè, Mường Ðun và thị trấn Tủa Chùa. Do đó năm 2020, huyện Tủa Chùa sẽ không hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề theo kế hoạch đề ra.

Công tác đào tạo nghề cho LÐNT của huyện Tủa Chùa không đạt, bên cạnh việc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn có nguyên nhân công tác tuyển sinh học viên gặp nhiều khó khăn. Tiêu chí tuyển sinh học viên là trong độ tuổi lao động nhưng những năm gần đây, lao động tại các thôn bản đều đi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp ở các tỉnh miền xuôi. Nếu không phải vào thời điểm mùa vụ thì lao động tại địa bàn rất ít nên khó tuyển sinh. Bên cạnh đó, theo quy định đào tạo nghề phải theo nhu cầu học viên muốn học nghề gì và mỗi học viên chỉ được tham gia lớp đào tạo với một nghề cụ thể. Những năm qua, huyện đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề ở các thôn, bản tại các khu vực thuận lợi nên các lớp dạy nghề năm nay hướng tới các thôn, bản vùng cao, khó khăn. Tuy nhiên, tại các địa bàn này, số người có nhu cầu học nghề rất ít, người đăng ký học không đủ số lượng để tổ chức lớp. Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết: Khoảng 2 năm gần đây, công tác tuyển sinh học viên tham gia các lớp đào tạo nghề rất khó khăn. Năm nay, xã đã rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề tại 100% thôn trên địa bàn nhưng cũng chỉ tổ chức được 1 lớp Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò tại bản Lịch với 33 học viên.

Cùng cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa tham gia giờ học thực hành của lớp đào tạo Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò tại thôn Ðông Phi, thị trấn Tủa Chùa, chúng tôi nhận thấy các học viên tham gia học đầy đủ và khá thành thạo trong thực hành dựng chuồng, trại cho trâu bò. Tuy nhiên điểm khá đặc biệt là 94% học viên trong lớp là chị em phụ nữ.

Chị Giàng Thị Lan, giáo viên phụ trách lớp cho biết: Tổng số học viên của lớp là 35 người nhưng chỉ có 2 học viên nam. Những lớp dạy nghề còn lại cũng chủ yếu là học viên nữ. Lý do là thanh niên nam giới đi làm ăn xa tại các tỉnh dưới xuôi.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa cho biết: Những năm gần đây, công tác tổ chức các lớp đào tạo nghề trên địa bàn huyện rất khó. Có nhiều nguyên nhân, như, số giảng viên cơ hữu của Trung tâm ít (3 giảng viên), khi tổ chức dạy nghề phải hợp đồng thêm cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hoặc trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên; trang thiết bị dạy nghề còn hạn chế, vật tư thực hành thiếu; khó tuyển sinh; trung tâm không được chủ động kinh phí đào tạo... Do vậy, năm 2020 Trung tâm dự kiến tổ chức khoảng 10 - 12 lớp đào tạo nghề song thực tế chỉ triển khai được 4 lớp.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top