Cần phát huy tính tự lực của người dân trong giảm nghèo

09:27 - Thứ Tư, 09/12/2020 Lượt xem: 5955 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, các cấp, ngành trong huyện Nậm Pồ thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 72,09% (đầu năm 2016) xuống còn 56,09% (vào đầu năm 2020).

Từ nguồn vốn sự nghiệp về hỗ trợ giống vật nuôi Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới... nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Chị Thào Thị Púa, bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) chăm sóc cặp bò được hỗ trợ của gia đình.

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền lồng ghép các chính sách giảm nghèo tới nhân dân, giúp bà con hiểu rõ hơn về các chương trình, chính sách giảm nghèo đang thực hiện và có ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo. Một trong những cách làm hiệu quả của cấp ủy, chính quyền Nậm Pồ là huyện thường xuyên tổ chức họp đánh giá công tác giảm nghèo tại các cuộc giao ban hàng tháng, quý, 6 tháng và 1 năm để nắm bắt tiến độ thực hiện và những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Giao cho các cơ quan liên quan chủ động trong việc kiểm tra thực hiện các chương trình, dự án, chính sách. Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện thực hiện kiểm tra, giám sát kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm nhằm đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo để có giải pháp giảm nghèo phù hợp. Phối hợp với thường trực HÐND và các ban của HÐND huyện thực hiện kiểm tra, giám sát các công trình, dự án, chính sách trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm (nếu có). Giao các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chính sách xã hội) tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Riêng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 30a, giai đoạn 2016 - 2019, huyện đã giải ngân trên 20,9 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ 359 con bò, 606 con trâu, 1.052 con dê, 2.535 con vịt cỏ địa phương cho 1.501 hộ và mua 65.731 liều vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi. Chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp 10.100 lượt hộ vay vốn là người nghèo, người dân tộc thiểu số, vay hỗ trợ sản xuất, đầu tư công trình nước sạch...với tổng dư nợ trên 282,5 tỷ đồng. Ðược vay vốn các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo có thu nhập từ 50 đến trên 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do ý thức, tinh thần tự giác của người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo chưa cao. Tại xã Nà Bủng, từ nguồn vốn sự nghiệp về hỗ trợ giống vật nuôi Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2016, người dân được hỗ trợ 161 con dê. Ðến thời điểm giám sát cuối năm 2019, số con giống còn sống 3 con, số con giống bán 133 con, số con giống chết 25 con. Năm 2018, tổng số bò giống hỗ trợ cho xã Nà Bủng là 68 con, đến thời điểm giám sát cuối năm 2019, số con giống còn 44 con, số con giống bán 11 con, số con giống chết 13 con. Gần đây nhất, từ Chương trình 30a, Chương trình 135 hỗ trợ 13 con bò giống cho người dân bản Hô Củng (xã Chà Tở) từ tháng 9/2020. Nhưng sau khi nhận bò được gần 1 tháng đã có 8/13 hộ dân tự ý bán bò giống được hỗ trợ. Qua giám sát UBND xã đã yêu cầu các hộ dân phải tự mua lại bò. Ðến thời điểm hiện tại 8/8 hộ đã mua lại bò.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình giảm nghèo bền vững đã đạt mục tiêu giảm nghèo của huyện đề ra (bình quân giảm 4% hộ nghèo/năm). Giai đoạn 2016 - 2020 có 2.702 hộ thoát nghèo; số hộ tái nghèo giảm mạnh qua các năm (năm 2015 có 429 hộ, năm 2016 có 145 hộ, năm 2017 có 78 hộ, năm 2018 có 17 hộ, năm 2019 có 15 hộ). Các chính sách hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo đã góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện dần được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên bên cạnh đó ở một số địa phương người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; người dân bán con giống sau khi được hỗ trợ... Ðể khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát các chương trình hỗ trợ sau đầu tư; yêu cầu các gia đình ký cam kết không được bán hay thịt con giống được hỗ trợ...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top