Ngối Cáy đoàn kết thoát nghèo

12:37 - Thứ Bảy, 12/12/2020 Lượt xem: 6296 In bài viết

ĐBP - Ðến xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng đúng ngày bà con trong xã tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc, chúng tôi thấy không khí tưng bừng, đông vui và đoàn kết của bà con người Thái, người Mông sinh sống trong các bản. Ðược biết, 2 năm trở lại đây, từ sự đoàn kết, thống nhất của bà con; sự đồng lòng, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ xã, Ngối Cáy đã đạt những thành công đáng nể trong việc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Người dân các bản: Co Hắm, Xuân Ban, Nậm Cứm (xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng) tham gia học cách trồng, chiết cành cây ăn quả trái vụ do cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn.

Ðón tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Ðức Quang, Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ngối Cáy phấn khởi chia sẻ: “Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã Ngối Cáy chúng tôi đã giảm rõ rệt, từ 60% (năm 2018) đến nay chỉ còn 39,6% (tháng 10/2020). Có được điều này là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của bà con 8 bản trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tính chiến lược lâu dài; thay đổi tập quán canh tác, gieo trồng và chăn nuôi. Ðặc biệt, từ khi chúng tôi triển khai Chương trình làm nương có bờ, đã tăng nhiều diện tích cây nông nghiệp cho bà con, làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, cho thu hoạch cao, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và thay đổi đời sống”.

Theo chia sẻ của anh Quang, trước đây đời sống của đại bộ phận bà con người Thái, người Mông các bản trong xã Ngối Cáy còn gặp nhiều khó khăn, có bản 100% số hộ đều nghèo. Nguyên nhân của đói nghèo là do bà con các bản chưa mạnh dạn trong việc vay vốn, đầu tư cây trồng, vật nuôi mới, mà vẫn gieo trồng, chăn nuôi theo tập quán cũ, vật nuôi lại chăn thả tự do nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Với tư duy tự phát, bà con mỗi bản còn trồng một loại cây nông nghiệp, cây ăn quả khác nhau, do đó việc buôn bán nông sản chỉ ở mức nhỏ lẻ, chưa thể trở thành sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh đó, xã có 6 bản người dân tộc Thái và 2 bản người dân tộc Mông sinh sống liền kề, bản gần nhau nhưng bà con chưa có sự đoàn kết, thống nhất trong việc trồng trọt, chăn nuôi nên đây cũng là một trong những nguyên nhân của đói nghèo. Hai bản người dân tộc Mông là Nậm Cứm và Nậm Chan 3 dù sinh sống cận kề với các bản dân tộc Thái trong xã nhưng do khác biệt về truyền thống văn hóa và tập quán canh tác nên họ chưa nhất quán trong việc gieo trồng, chăn nuôi. Trong khi người Thái đã ổn canh, ổn cư và khai thác đất bằng để trồng lúa nước thì người Mông lại thường du canh, du cư và gieo trồng trên đất dốc...

 “Chính vì vậy, khi thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, đổi mới, tập quán và suy nghĩ của bà con, từng bước xóa khoảng cách, khác biệt về đời sống văn hóa, tập quán của 2 dân tộc Thái và Mông để bà con thêm đoàn kết, nhất trí với nhau; tổ chức các buổi họp liên bản, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ lao động cho bà con; giới thiệu các chương trình vay vốn ưu đãi xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rồi mời cán bộ hội, đoàn thể tới chia sẻ kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc, thực hiện mô hình thực tế...” - anh Nguyễn Ðức Quang cho biết.

Bằng cách làm trên chỉ trong một thời gian ngắn, tư tưởng của bà con các bản trong xã Ngối Cáy đã dần thay đổi. Chúng tôi đến bản Nậm Cứm khi người dân 3 bản: Nậm Cứm, Nậm Chan 3 và Co Hắm đang tổ chức giao lưu văn nghệ và ẩm thực trong Ngày hội Ðại đoàn kết dân tộc. Bà con vui vẻ cùng nắm tay, hòa chung tiếng hát và ăn các món ăn dân tộc cho thấy những cách biệt về văn hóa, phong tục đã không còn. Trưởng bản Nậm Cứm Mùa A Lầu cho biết “Hai năm nay, các bản chúng tôi đoàn kết lại, bà con cùng nhau lao động, canh tác trên đất bằng và đất dốc; không tranh chấp đất nương với nhau mà còn hỗ trợ nhau thu hoạch mùa màng, trông coi gia súc, chính vì thế nhiều hộ đã thoát nghèo. Ðặc biệt, chúng tôi đã thay đổi cơ cấu cây trồng (từ cây ngô, cây sắn, cây lúa nương năng suất thấp chuyển sang trồng cây chanh trái vụ, cho thu hoạch quanh năm) và khai hoang các diện tích đất để trồng trọt, canh tác lâu dài, rồi làm bờ tránh cho đất bị rửa trôi dinh dưỡng, bạc màu... Ðến năm nay, từ thu hoạch quả chanh trái vụ, ngô, lạc, mía... trên đất dốc có bờ, đời sống người Mông bản tôi đã dần ổn định và từng bước nâng cao”.

Ðược sự hỗ trợ, cầm tay chỉ việc của chính quyền xã, người Thái sinh sống ở bản Co Hắm (xã Ngối Cáy) cạnh bản Nậm Cứm cũng đã khai hoang, cải tạo diện tích nương bỏ hoang để trồng chanh trái vụ như bà con bản Nậm Cứm. Theo chia sẻ của ông Lò Văn Chanh, Trưởng bản Co Hắm: “Từ khi thấy bà con Nậm Cứm trồng cây chanh cho năng suất tốt, bán cho thu nhập cao và dần thoát nghèo thì chúng tôi cũng mạnh dạn khai hoang đất đai, làm nương có bờ và vay vốn để trồng trọt. Cùng với đó, bà con trong bản và 2 bản lân cận (Nậm Cứm và Nậm Chan 3) đã đoàn kết, thống nhất với nhau trong việc trồng trọt: Cùng gieo trồng chung bờ nương, bờ ao, hàng rào chứ không tranh chấp hay phá hoại của nhau và không chăn thả gia súc tự do trên nương nữa... Ðến nay, việc gieo trồng đã trở nên thuận lợi, nhanh chóng hơn, đó là dấu hiệu khả quan để thoát nghèo cho bản Co Hắm chúng tôi”.

Hiện nay, toàn xã Ngối Cáy có 709 hộ dân với 3.259 nhân khẩu, xã mới đạt 8/19 tiêu chí về nông thôn mới. Thực tế cho thấy xã Ngối Cáy vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Ảng với nhiều cách trở về đường sá, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đến bản, hay hệ thống điện lưới quốc gia một số bản còn chưa có. Tuy nhiên, đến Ngối Cáy và thấy được tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng nỗ lực thoát nghèo của bà con nơi đây, chúng tôi tin tưởng trong thời gian không xa, Ngối Cáy sẽ đạt thêm nhiều thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Từ đó nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho bà con và thay đổi diện mạo bản làng.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top