Luật Lý lịch tư pháp phù hợp nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

15:31 - Thứ Hai, 14/12/2020 Lượt xem: 4677 In bài viết

Luật Lý lịch tư pháp là một đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Qua 10 năm triển khai, Luật Lý lịch tư pháp đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Hướng dẫn người dân kiểm tra Phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ

Lý lịch tư pháp là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh công dân có hay không có án tích khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, đã có hơn 80 thủ tục hành chính yêu cầu phải có lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, lý lịch tư pháp cũng trở thành công cụ pháp lý ngày càng quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý dân cư, quản lý xã hội, nhất là hoạt động tố tụng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, 10 năm qua, số phiếu lý lịch tư pháp được cấp khoảng 4 triệu, nhu cầu của người dân tăng theo thời gian nhưng các cơ quan tư pháp đã cơ bản bảo đảm độ chính xác về thông tin lý lịch tư pháp. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, thủ tục hành chính đã thuận tiện hơn rất nhiều. Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đã rút ngắn thời gian giải quyết từ 15 ngày theo luật định còn 13 ngày.

Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) Hoàng Quốc Hùng cho biết, nếu như trước đây, người dân Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài từng tạm trú tại Hà Nội muốn xin cấp phiếu lý lịch tư pháp bắt buộc phải về Việt Nam thực hiện các thủ tục thì nay không còn tình trạng này vì được tư vấn trực tuyến, tờ khai có sẵn trên internet, quy trình giải quyết qua bưu điện. Có 98% phiếu lý lịch tư pháp do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố cấp thời gian qua được giải quyết đúng hẹn, trước hẹn; còn lại là những trường hợp án chưa rõ, có án tích nhưng khó xác minh.

Dưới góc độ là người thụ hưởng dịch vụ, anh Đoàn Ngọc Nam, ở phường Bồ Đề (quận Long Biên) cho rằng, mở rộng hình thức cấp, nhận phiếu lý lịch tư pháp, rút ngắn thời gian giải quyết là điểm nổi bật đối với dịch vụ cấp, nhận phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua. Theo đó, từ tháng 11-2015, thay vì đến trực tiếp, người dân có thể thực hiện yêu cầu đăng ký cấp phiếu dù ở bất cứ đâu với sự hỗ trợ của bưu điện. Tuy nhiên, chế định “xóa án tích” và “đương nhiên được xóa án tích” dù được sửa đổi cơ bản, có nhiều tiến bộ, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống vẫn còn tồn tại không ít vướng mắc.

Có một thực tế là pháp luật hình sự Việt Nam chưa xác định cụ thể khái niệm án tích, cũng như nội dung xóa án tích một cách chi tiết nên trong thực tiễn vận dụng người dân gặp rất nhiều khó khăn, vẫn còn e ngại khi yêu cầu xóa án và thậm chí không thể hiểu rõ “đương nhiên” là tự động hay phải đề nghị, đồng thời đồng nhất việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp với việc xác nhận xóa án tích. Việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 tràn lan khi ghi rõ cả án tích đã được xóa còn là một trở ngại cho những người đã được xóa án tích thật sự quên đi bản án đã được xóa trước con mắt của cơ quan tuyển dụng hoặc người quen và xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, TS.Tạ Thị Minh Lý - Chuyên gia tư vấn Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh tập trung cải cách hành chính, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu có quy định riêng về thủ tục xóa án tích cho người đương nhiên được xóa án tích theo hướng cập nhật thông tin lý lịch tư pháp về án tích. Theo hướng này, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cần chủ động thực hiện việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp, xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để xóa án tích cho người bị kết án khi họ có đủ các điều kiện do Bộ luật Hình sự quy định, chứ không phải đợi đến khi họ có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp mới thực hiện những công việc này như hiện nay.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top