Phu Luông từng bước xóa đói giảm nghèo

09:00 - Thứ Hai, 21/12/2020 Lượt xem: 7401 In bài viết

ĐBP - Thu nhập bình quân đầu người của xã Phu Luông, huyện Ðiện Biên mới chỉ đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Thu nhập này phần nào thể hiện đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. “Cuộc chiến” xóa đói giảm nghèo tại Phu Luông còn nhiều gian nan.

Người dân bản Kham Pọm, xã Phu Luông thu hoạch sắn trên nương.

Thời gian này, chính quyền xã Phu Luông đang rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2020. Năm 2019, toàn xã có 32,2% hộ nghèo, 35,6% hộ cận nghèo. Ðể giảm các tỷ lệ này, năm qua xã đã triển khai nhiều chương trình, dự án từ nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với mô hình nuôi bò sinh sản luân chuyển. Gia đình chị Lò Thị Xoan, bản Xẻ là một trong những hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò sinh sản từ cuối năm 2019. Tháng 10 mới đây, bò mẹ đã đẻ lứa đầu tiên 1 con bê cái, giúp gia đình chị có tài sản riêng để thoát nghèo bền vững. Chị Xoan chia sẻ: “Gia đình tôi muốn phát triển chăn nuôi từ lâu nhưng không có điều kiện đầu tư con giống. Ðược hỗ trợ bò sinh sản, nay đã có bê con, cả nhà tôi vui lắm. Bê sinh được hơn 1 tháng thì gia đình tôi luân chuyển bò mẹ cho hộ còn lại trong nhóm rồi. Nếu năm sau bò mẹ đẻ tiếp thì sẽ tiếp tục luân chuyển về nhà tôi nuôi. Bê con lớn lên cũng sinh sản nữa thì nhà tôi sẽ có nhiều bò hơn, cuộc sống không còn khó khăn nữa”. Ông Lò Văn Tới, Bí thư Chi bộ bản Xẻ cho biết: Mỗi năm trung bình bản có 5 - 6 hộ thoát nghèo, hầu hết là những hộ được hỗ trợ tham gia các mô hình, chương trình phát triển sản xuất. Mấy năm gần đây, năm nào bản cũng có hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản. Năm 2020 có thêm 4 hộ nghèo được nhận 2 con bò nuôi luân chuyển và gần 10 hộ khác được hỗ trợ nuôi bò có đối ứng.

Năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (Chương trình 135), xã đã triển khai mô hình nuôi luân chuyển 16 con bò cho 32 hộ thuộc các bản: Na Há, Xẻ, Pá Chả, Mốc C5, Xôm, Huổi Cảnh. Ngoài ra, có 35 hộ tham gia dự án nuôi bò sinh sản giống địa phương theo hộ (có đối ứng) với 35 con bò từ nguốn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Qua đó góp phần nâng tổng đàn trâu, bò toàn xã lên hơn 2.000 con. “Nhiều nhóm hộ, bản khoanh vùng chăn nuôi với số lượng trâu, bò lớn. Chăn nuôi gia súc là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế của xã Phu Luông” - ông Lường Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định.

Phát triển trồng trọt cũng được xã Phu Luông quan tâm định hướng. Lợi thế diện tích đất rộng tuy nhiên địa hình dốc, bạc màu nên việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao tại địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Ngô, lạc, khoai đều đã từng được trồng tại Phu Luông nhưng không phù hợp. Nhiều năm nay sắn, lúa nương vẫn là cây trồng chủ yếu. Tuy nhiên thực tế năng suất, hiệu quả kinh tế 2 loại cây này chưa cao. Gia đình chị Lò Thị Phanh, bản Kham Pọm có diện tích nương rộng ở nhiều khu vực khác nhau, làm lụng quanh năm nhưng năm nào được mùa, được giá chỉ thu hoạch 2 tấn sắn bán được 2 triệu đồng cùng gần 2 tấn thóc, trị giá khoảng 10 triệu đồng. Ông Lường Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Vừa phát triển các cây trồng quen thuộc, xã vừa tuyên truyền, vận động, làm các thủ tục hỗ trợ thúc đẩy người dân khai hoang ruộng nước. Năm 2020, qua rà soát, các hộ đã tận dụng khe suối, khai hoang được 27,8ha ruộng nước. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với khuyến nông xã tổ chức lớp tập huấn quy trình sản xuất lúa, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại địa bàn. Qua đây sẽ nâng cao năng suất, chất lượng lúa, tăng thu nhập cho người dân”.

Ngoài các cây trồng truyền thống, Phu Luông được quy hoạch trồng mắc ca theo dự án của tỉnh. Hiện trên địa bàn xã đã trồng 40ha mắc ca, xã đăng ký mỗi năm trồng thêm 30 - 40ha mắc ca. Hiện công ty thực hiện dự án đang tạo việc làm cho 60 - 70 lao động thuộc các hộ cho thuê đất trồng mắc ca thuộc các bản: Xôm, Huổi Cảnh, Pá Chả, Loọng Ngua với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng cho việc chăm sóc cây, 8 - 9 triệu đồng/người/tháng cho nhân viên kỹ thuật và 170 nghìn đồng/ngày công cho một số công việc thời vụ. Với những chương trình hỗ trợ cùng các định hướng đó, người dân Phu Luông đang xác định được hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp để vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top