Cần quyết tâm và biện pháp đồng bộ

10:16 - Thứ Tư, 23/12/2020 Lượt xem: 5167 In bài viết

ĐBP - Nghị định 117/2020/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt là Nghị định 117) có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 đã bổ sung nhiều điểm mới so với quy định trước đây (Nghị định 176/2013/NÐ-CP), như: Xử phạt cả đối tượng vi phạm là các cơ sở, cán bộ, công chức... đơn vị công lập thay vì chỉ phạt y tế tư nhân; phạt người sử dụng trẻ em, người chưa đủ 18 tuổi đi mua thuốc lá, rượu bia; được sử dụng các công cụ, phương tiện phát hiện các hành vi (qua camera, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, ghi hình) để phạt nguội… Tuy nhiên một số điểm mới cũng dẫn đến nhiều ý kiến băn khoăn về những vướng mắc, tính khả thi trong thực tế.

Khoản 1, Ðiều 25 Nghị định 117 quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm (theo Nghị định 176 là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng). Việc tăng mức xử phạt sẽ nâng cao tính răn đe, tác động mạnh đến hành vi, ý thức của người hút thuốc lá.

Anh V.D.K, lái xe taxi trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, một người hút thuốc lá lâu năm, cho biết: “Tôi không phàn nàn về mức tiền phạt. Nhưng đến giờ tôi cũng không biết địa điểm nào là cấm hút thuốc lá. Phải có biển báo. Mình vi phạm thì bị phạt thôi. Nhưng ai xử phạt? Lực lượng xử phạt phải có “uy” thì người ta mới sợ!”.

Thực tế thì chỉ tại các công sở, cơ quan nhà nước khi có biển “Cấm hút thuốc lá”, “Không hút thuốc lá” thì việc chấp hành cơ bản tốt, hiệu quả. Còn tại nơi công cộng thì việc hút thuốc lá diễn ra phổ biến. Thậm chí tại địa điểm lẽ ra phải thực hiện triệt để cấm hút thuốc lá là bệnh viện - nơi cứu chữa, chăm sóc sức khỏe con người - vẫn diễn ra việc hút thuốc lá. Phải nhìn nhận rằng, bệnh viện là nơi tiếp đón nhiều người với đủ thành phần nghề nghiệp, dân cư, dân tộc với trình độ, nhận thức khác nhau. Do đó không khó để bắt gặp người nhà bệnh nhân, người chăm sóc, người đến thăm… hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, dù công khai hay lén lút. Thế nhưng việc xử phạt hành chính là không dễ. Nhân viên bảo vệ bệnh viện có thể nhắc nhở, nhưng thực tế thì lực lượng này cũng chưa có cái “uy” để người dân sợ. Hơn nữa, nhiều người hút thuốc lá trong bệnh viện là người dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, nhận thức chưa đầy đủ trong khi công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá nói riêng, các quy định pháp luật khác tại những địa bàn này có mặt còn hạn chế.

Ðiều 29, Nghị định 117 có quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi “Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá”. Ðiều 30 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “Ép buộc người khác uống rượu bia”.

Những quy định xử phạt này nếu thực hiện hiệu quả thì tác dụng rất lớn. Nhất là đối với hành vi ép buộc uống rượu bia dễ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ trong quan hệ làm ăn người mời rượu cố tình ép rượu cho đối tác say để nhằm đạt được lợi ích trong mối làm ăn đó. Hoặc chuốc, ép rượu để khai thác thông tin hay mượn người khác thực hiện mục đích của mình, có thể về tình cảm, về quan hệ xã hội, về tài chính... Trong thực tế đã xảy ra không ít những vụ việc cảnh cáo, dằn mặt, “xử lý” đối phương theo kiểu này. Tuy nhiên, việc xác định hành vi vi phạm theo quy định trên là rất khó.

Trao đổi về nội dung này, Luật sư Nguyễn Quang Khai, Văn phòng luật sư A1 (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) phân tích: Phải làm rõ được thế nào là “vận động”, là “ép buộc”? Ép buộc phải thể hiện bằng lời nói, hành vi, thái độ… để người ta thực hiện việc uống rượu, bia không mong muốn! Chứng minh hành vi ép buộc người khác uống rượu bia phải có chứng cứ trực tiếp. Chứng cứ là hình ảnh, ghi âm, video... Thực tế thì trừ trường hợp cố ý quay phim, ghi âm với động cơ nào đó bởi phần lớn những người ngồi uống rượu, bia với nhau là bạn bè, quen biết.

Trong Nghị định 117 cũng quy định được sử dụng các công cụ, phương tiện phát hiện các hành vi vi phạm nhưng với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh ta rất khó thực hiện việc này. Ngoài những nhà hàng, quán ăn ở khu vực đô thị trung tâm có lắp camera thì việc lắp đặt, quản lý hệ thống camera giám sát tại tất cả các quán bia, rượu để phát hiện, chứng minh các hành vi ép buộc uống rượu bia là khó khả thi. Chưa kể đến những cuộc lễ lạt, cưới hỏi, giỗ, lý... ở khu vực nông thôn, bản vùng cao.

Ðối với một số quy định như: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi (Ðiều 26); phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá (Ðiều 29); phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi (Ðiều 31)... sẽ khó thực hiện. Lý do là hiện nay chưa có quy định người bán hàng được phép kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mua. Trong khi việc người lớn trong trường hợp đang bận việc gì đó nhờ con, cháu (có thể chưa đủ 18 tuổi) ra đầu ngõ thậm chí sang ngay quán tạp hóa cạnh nhà mua giúp bao thuốc lá, chai bia không phải chuyện hiếm.

Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá, sử dụng rượu bia là cần thiết trong đời sống xã hội. Nghị định 117 cũng quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Song với một số quy định mới, cần có hướng dẫn cụ thể hơn và cũng cần lộ trình. Và quan trọng nhất phải có quyết tâm thực hiện với các biện pháp đồng bộ. Nếu như cứ cấm, quy định xử phạt nhưng không có ai phạt sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật. Do đó cùng với thực hiện tốt công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục thì công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm phải chực chất, hiệu quả để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top