Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số

15:02 - Thứ Sáu, 25/12/2020 Lượt xem: 6404 In bài viết

ĐBP - Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh ta. Trong đó triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo tới người dân đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh.

Ðược hỗ trợ vay vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Nhé đầu tư trồng các loại cây ăn quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Mường Nhé tham quan mô hình trồng cây ăn quả của người dân xã Mường Toong. Ảnh: C.T.V

Mường Nhé là huyện biên giới khó khăn bậc nhất của tỉnh với trên 90% dân số là người DTTS, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Huyện xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ sản xuất tạo sinh kế giúp bà con nâng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai tới các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng. Ðể tổ chức thực hiện hiệu quả, từ cấp huyện đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn đối tượng, loại giống cây trồng, vật nuôi cần hỗ trợ đến thẩm định hồ sơ, kiểm tra giám sát... Huyện phân cấp cho UBND các xã quản lý và thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân đối với các dự án 1, tiểu dự án 3 của Chương trình giảm nghèo. Trong giai đoạn 2016 - 2019 và ước thực hiện năm 2020 huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 7.541 lượt hộ với tổng kinh phí hơn 54,3 tỷ đồng. Tập trung hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi: Hỗ trợ 1.264 con gia súc, gần 28.000 con gia cầm cho 2.928 hộ; hỗ trợ giống cây ăn quả, cây dược liệu cho 522 hộ; hỗ trợ tiêm phòng hơn 71.000 liều vắc xin các loại cho vật nuôi; hỗ trợ 788 hộ trồng gần 717ha rừng sản xuất; hỗ trợ 1.203 hộ nghèo tham gia trồng rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực…

Ông Thào A Dế, quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai trên địa bàn trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho người nghèo, nhất là đồng bào DTTS có nguồn vốn đầu tư ban đầu để phát triển sản xuất, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,8%/năm; số hộ nghèo đã thoát nghèo cả giai đoạn 2015 - 2019 là 411 hộ, số hộ cận nghèo thoát nghèo 458 hộ. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết áp dụng các biện pháp canh tác mới. Ðặc biệt là ý thức chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi được nâng lên đã góp phần duy trì mức tăng trưởng tổng đàn gia súc trung bình của huyện đạt 3,52%/năm, gia cầm 6,5%/năm. Cuộc sống của người dân dần được ổn định, hạn chế tình trạng di dịch cư tự do góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Không chỉ địa bàn huyện Mường Nhé mà ở các địa phương khác trong tỉnh đời sống của đồng bào DTTS đều khởi sắc, có nhiều chuyển biến tích cực nhờ được thụ hưởng các chính sách dân tộc thông qua các chương trình, dự án, như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020… Ðặc biệt là tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc. Các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, bà con được hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Ðến nay tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 458 hộ với diện tích 95ha, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.554 hộ; hỗ trợ cho 796.632 lượt người với 1.785,2 tấn các loại giống cây trồng; hỗ trợ 2.538 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền gần 39,4 tỷ đồng…

Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định, nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc và chủ trương đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên và đóng góp quan trọng xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm nhanh từ 60,8% (đầu năm 2016) xuống còn 42,8% (năm 2019) và ước giảm còn 38,8% năm 2020. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, giữ vững lòng tin của đồng bào DTTS với Ðảng, Nhà nước.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top