Thúc đẩy sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng

15:07 - Thứ Hai, 28/12/2020 Lượt xem: 4311 In bài viết

Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc vừa kết thúc, với 574 đề tài dự thi, 106 đề tài sáng tạo tiêu biểu đoạt giải, chứng tỏ đã thu hút và khơi nguồn được sự sáng tạo của các em ở lứa tuổi từ 6 đến 19. Đây là một trong những sân chơi khoa học kỹ thuật (các cuộc thi khác như: hội thi tin học, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học...) nhằm phát huy cao nhất kiến thức của học sinh đã học trong nhà trường, trong cuộc sống để sáng tạo ra những sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Cuộc thi được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong 16 năm qua. Đề tài của các em thể hiện rõ cái nhìn mới về cuộc sống, nhận ra các nhu cầu cấp thiết của nhà trường, gia đình, xã hội và tìm được cách giải quyết mới. Thí dụ: Thiết bị dùng năng lượng mặt trời để cảnh báo tàu, thuyền tránh các cột điện được xây dựng giữa biển ở tỉnh Kiên Giang; quy trình sản xuất bát, đĩa từ mo cau đã được ngâm rửa sạch, sấy khô, góp phần tạo ra sản phẩm không độc hại; quy trình sản xuất màng sinh học từ cellulose có trong cỏ voi để làm nguyên liệu chế tạo túi xách thân thiện môi trường; thiết bị lắp trên các cây cao phát hiện âm thanh bất thường, độ ẩm để cảnh báo nạn phá rừng, cháy rừng... Các em cũng tiếp cận các kiến thức về công nghệ hiện đại, như: cánh tay rô-bốt hỗ trợ vận động cho người bị đoạn chi; phần mềm hỗ trợ nhập dữ liệu bằng giọng nói; thùng rác tự động phân tách các loại rác như thủy tinh, kim loại, nhựa, giấy…
 
Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc thi là tìm ra các ý tưởng sáng tạo, nhưng một số giải pháp, quy trình có tính ứng dụng đã vươn xa, tìm được cơ hội triển khai sản xuất thành các sản phẩm có ích cho xã hội, như: làm cặp sách đồng thời là phao cứu sinh (giải nhất năm 2008); dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que làm môi trường nhân giống meo trồng nấm mộc nhĩ (giải nhất năm 2020)… Đặc biệt, phần mềm máy tính đa năng Ncalc+ dùng để giải phương trình, hệ phương trình (giải nhất năm 2017) đã được đưa vào kho Google Play với hơn 3.000 lượt tải về mỗi ngày. Tuy vậy, phần lớn các đề tài đoạt giải chưa được khai thác, nhiều học sinh, nhà trường kêu gọi để được hỗ trợ, phối hợp triển khai nhưng không có kết quả. Theo các chuyên gia, để các ý tưởng sáng tạo của học sinh tiếp tục được tỏa sáng, cần có một “sân chơi” khác, đó là hình thành “chợ” công nghệ điện tử; các đề tài đoạt giải sẽ được đưa lên “chợ” để các tổ chức, cá nhân quan tâm, có nhu cầu đều có thể khai thác, hỗ trợ học sinh. Các giải pháp được ứng dụng vừa đem lại giá trị cho xã hội, vừa giúp duy trì vững chắc niềm đam mê khoa học, sáng tạo trong các em, từ đó tạo nguồn nhân lực khoa học cho tương lai.
 
Bên cạnh đó, cần bảo đảm quyền lợi cho học sinh đoạt giải của Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc như các cuộc thi tương đương khác. Thí dụ, với Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (có phạm vi nghiên cứu, đề tài gần giống Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc), học sinh đoạt giải được tuyên dương, khen thưởng và tuyển thẳng vào đại học theo ngành phù hợp với nội dung đề tài dự thi. Thế nhưng, học sinh đoạt giải của Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lại không có quyền lợi đó. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét thống nhất hai cuộc thi để tránh thiệt thòi cho học sinh, tập trung nguồn lực và số lượng thí sinh dự thi vào một cuộc thi. Nếu không sáp nhập, cần có quy định bảo đảm công bằng cho học sinh đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc để khuyến khích tốt hơn học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật.
 
Ngoài ra, để thúc đẩy hơn nữa sự sáng tạo của giới trẻ, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về cuộc thi, không chỉ giới hạn đối tượng dự thi là các em đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn là các thanh thiếu niên, nhi đồng không có điều kiện học tập nhưng đam mê nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top