Ðổi thay Tênh Phông

10:03 - Thứ Tư, 30/12/2020 Lượt xem: 7305 In bài viết

ĐBP - Xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) có độ cao trung bình trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ với khu rừng nguyên sinh bao bọc  khu vực trung tâm xã, nhiều thác nước trong lành, thảm thực vật đa dạng... Ðược thiên nhiên ưu đãi, người dân nơi đây đang nỗ lực canh tác, chăn nuôi, phát triển kinh tế để vươn lên, xứng với tiềm năng.

Hạ tầng trung tâm xã Tênh Phông đã được đầu tư đồng bộ, khang trang.

Phá “độc dược”, trồng thảo dược

Trong lần trở lại Tênh Phông những ngày cuối năm 2020, phóng tầm mắt về phía đèo Pha Ðin nằm đối diện trung tâm xã, nắng trải vàng khiến cái rét ngọt của địa bàn được ví như “tiểu Sa Pa” này không còn se sắt. Là một sự tình cờ, chúng tôi gặp ông Vừ Khua Xá, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Tênh Phông từ năm 1991 - 2005. Dù khi nghỉ hưu, ông Xá về quê gốc là xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) sinh sống nhưng theo như giới thiệu của người dân nơi đây, ông giống như một “pho lịch sử sống” của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tênh Phông. Bởi với hơn 70 tuổi đời đã qua, ông Xá gắn bó với Tênh Phông hơn 40 năm, kể cả hiện nay.

Cùng ông Vừ Khua Xá bên bàn uống nước dành cho khách ở gian sảnh tầng 2 trụ sở Ðảng ủy - HÐND - UBND xã Tênh Phông - Công trình mới khánh thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2020, dù khá nóng lòng muốn nghe chuyện về Tênh Phông hoang vu xưa như thế nào, nhưng tôi nén lại, hỏi ông một câu về cảm nhận hiện tại: Ông thấy Tênh Phông bây giờ thế nào? Chỉ lên tường trụ sở, ông Xá cười bảo: Các anh nhìn cũng thấy ngay mà, công trình còn nguyên mùi sơn mới đây này, rồi thì đường mới, trường học (Trường Tiểu học - Trung học cơ sở, Trường Mầm non Tênh Phông) cũng đều được đầu tư khang trang, đàng hoàng hơn thời tôi công tác nhiều rồi. Và được như thế này thì đương nhiên là tôi rất vui rồi.

Trở lại với câu chuyện về lịch sử Tênh Phông, theo ông Vừ Khua Xá, cách nay khoảng trên 40 năm, Tênh Phông thực sự giống như một “ngọn núi hoang”, không đường, không trường, trạm... dân cư lác đác, chắc chưa bằng bản Ten Hon (bản trung tâm xã) ngày nay. Tuy nhiên, Tênh Phông ngày đó lại nổi danh là địa bàn “thích hợp” với thuốc phiện, với bạt ngàn loài cây độc này trải dài khắp triền núi; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội cũng rất phức tạp. Ðây cũng chính là lý do khiến ngọn núi cao ngang hàng đỉnh Pha Ðin này phải thành lập cấp ủy, bộ máy chính quyền. Năm 1979, ông Vừ Khua Xá đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuần Giáo, được “biệt phái” về xã Tênh Phông công tác. Ðịa bàn cách trở, phương tiện không có, kinh tế - xã hội khó khăn, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội phức tạp... nên dù ban đầu là cán bộ tăng cường nhưng qua thời gian, ông Xá “cắm chốt” lâu dài luôn với Tênh Phông. Cùng với những nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền xã, nêu gương người cán bộ, đảng viên, ông Vừ Khua Xá chủ động tìm tòi, mở đường phát triển kinh tế. Tháng 12/1984 là dấu mốc khó quên của ông Xá khi lần đầu tiên ông gieo hạt cây thảo quả - một giống cây ông kỳ công mang về từ xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (nay thuộc tỉnh Lai Châu) tại bản Ten Hon. 3 năm sau, tức năm 1987, những cây thảo quả đầu tiên ở Tênh Phông cho thu hoạch, xuất bán. Và đến đầu những năm 1990, “cuộc kháng chiến” xóa, nhổ loài độc thảo thuốc phiện, giành đất cho thảo dược thảo quả, hoa hồi... chính thức được ông Vừ Khua Xá khởi xướng và lan rộng trên khắp địa bàn xã Tênh Phông. Thuốc phiện dần tàn lụi nhường đất cho thảo quả. Thành quả lớn cũng đến, khi năm 1998, thảo quả thành phẩm ở Tênh Phông đã xuất bán được tổng cộng 52 triệu đồng. Nhớ lại khoảnh khắc đó, ông Xá bảo: Ðó là một con số ngoài sức tưởng tượng của tôi. Khi đó tôi đã khóc, không chỉ vì giá trị kinh tế đơn thuần mà vì nhiều ý nghĩa phía sau: Thảo quả góp công xóa thuốc phiện, thảo quả mang tiền về cho dân, thảo quả còn góp phần giữ rừng khi đặc thù của loài cây này là sống dưới tán rừng, gần khe nước.

Phát huy triển vọng

Mặc dù có nhiều sự đổi thay tích cực trong cả tiến trình lịch sử hình thành, phát triển nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, Tênh Phông vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (gần 60%); kinh tế nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ; thảo quả, hoa hồi, táo mèo chưa có đầu ra ổn định, chưa thành lập được chuỗi liên kết, còn tình trạng được mùa, mất giá; thương mại, dịch vụ hầu như chưa có gì. Ông Lầu A Nanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phông chia sẻ: “Với hơn 2.000ha rừng, trong đó có nhiều diện tích là rừng nguyên sinh, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều hình thức nuôi trồng, nhất là trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ngoài ra, Tênh Phông cũng có tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái với rừng già, thác nước, hang động nguyên sơ. Ẩm thực thì ngoài những món ăn dân dã của người Mông nơi đây thì doanh nghiệp nuôi cá hồi tại xã cũng đang mở rộng quy mô, diện tích, sản lượng cá hồi, sẵn sàng phục vụ”. Vừa nói ông Nanh vừa chỉ về dãy núi xa xa phía trước trụ sở xã: Kia là đèo Pha Ðin, cụ thể là mấy điểm tham quan: Pha Ðin Pass, Pha Ðin PU. Tênh Phông mà được đầu tư, tạo điểm nhấn, quảng bá tốt sẽ là điểm đến hấp dẫn. Bởi giao thông giờ thuận lợi, 17km từ chân đèo Pha Ðin lên đến xã chỉ mất chừng nửa tiếng đi xe máy.

Ðể Tênh Phông phát triển, người dân nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững, địa phương cần có chiến lược dài hơi, thu hút được nguồn đầu tư đủ mạnh, đồng bộ. Hiện nay cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, đường, trường, trạm ở Tênh Phông đã ổn định. Chợ phiên xã hiện đã hoàn thành mặt bằng, khung chợ, sẽ đưa vào hoạt động dịp hội xuân sau tết Nguyên đán Tân Sửu, đáp ứng yêu cầu về thương mại, trao đổi hàng hóa của người dân. Huyện đã có chủ trương thu hút những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như TH Group đầu tư; đồng thời hiện có 1 hợp tác xã đang khảo nghiệm trồng sâm Ngọc Linh, tam thất và một số loài thảo dược trên địa bàn. Ðây là những hướng đi mang lại hi vọng về chuỗi tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trong xã.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top