Huổi Hạ chuyển mình

10:34 - Thứ Tư, 30/12/2020 Lượt xem: 7498 In bài viết

ĐBP - Là một trong những bản khó khăn nhất của xã Na Sang (huyện Mường Chà), 100% dân cư Huổi Hạ là dân tộc Mông sinh sống ở 4 cụm cách nhau từ 1 - 2km. Nếu tính khoảng cách thì không phải là quá xa so với nhiều bản đặc biệt khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, bởi chỉ cách trung tâm xã Na Sang khoảng 20km. Nhưng ở Huổi Hạ lại hội tụ nhiều khó khăn về hạ tầng, đời sống kinh tế xã hội… Năm 2019, bản có 62/69 hộ nghèo. Chỉ hơn 2 năm trước, người dân Huổi Hạ phải căng dây thừng, dùng bè tre vượt qua suối Nậm Chim để mưu sinh; một số học sinh Huổi Hạ phải chui vào túi nilon để người lớn kéo qua suối lũ đến trường.

Người dân bản Huổi Hạ giúp nhau làm nhà mới.

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Thời điểm trước khi được xây cầu, vào mùa mưa dân bản Huổi Hạ hoàn toàn bị cô lập. Những ngày mưa lũ, người dân nơi đây sợ nhất là trong bản có người ốm đau, nhất là vào ban đêm thì không cách nào vượt suối đi bệnh viện được. Nhưng khổ nhất vẫn là các cháu học sinh. Ở bản chỉ có cấp mầm non, lớp 1 và lớp 2, các cháu từ lớp 3 trở lên đều phải ra trường ở trung tâm xã để học. Mùa khô, người dân làm cầu tạm bằng gỗ để đi qua suối. Ðến mùa mưa nước suối cuốn trôi cầu tạm, học sinh đi học rất khó khăn và nguy hiểm. Chưa hết, sau khi vượt qua suối dữ, phải tiếp tục hành trình khoảng 17km đường mòn, mùa khô có thể đi xe máy khoảng 2 giờ, còn mùa mưa phải mất 5 - 6 giờ mới có thể đến trung tâm xã. Cũng bởi giao thông đi lại khó khăn, cách trở nên cơ sở hạ tầng ở Huổi Hạ thiếu thốn. Huổi Hạ đến thời điểm này vẫn chưa có điện lưới quốc gia, thiếu nước sinh hoạt.

Giữa tháng 10/2019, cầu dân sinh Huổi Hạ được khởi công xây dựng với số vốn 5,7 tỷ đồng, do Tổng cục Ðường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Sau hơn 8 tháng thi công, đến tháng 6/2020, cây cầu bê tông cốt thép qua suối Nậm Chim đã hoàn thành với chiều rộng 3,5m, dài gần 100m, tải trọng tối đa 10 tấn. Từ ngày có cây cầu, con suối Nậm Chim hung dữ đã không còn là nỗi lo của người dân Huổi Hạ mỗi khi mùa mưa đến.

Không chỉ có cầu mới, tuyến đường từ trung tâm xã vào bản dài gần 20km hiện nay đã được đổ bê tông 50%; phần còn lại tuy là đường đất nhưng đã được mở rộng, san nền để chờ đầu tư. Cầu mới, đường đang mở… giúp giao thông ở Huổi Hạ kết nối, góp phần đổi thay cuộc sống của người dân. Nông sản, vật nuôi đã dễ bán hơn, được giá hơn.

Chúng tôi đến trung tâm bản Huổi Hạ khi mặt trời đã gần đứng bóng, ở một góc bản tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục gỗ cùng tiếng nói cười râm ran. Trưởng bản Sùng A Lầu hồ hởi cho biết, dân bản đang giúp hộ ông Chang A Kỷ làm nhà mới. Từ ngày có cầu, có đường, nguyên vật liệu được vận chuyển dễ dàng, việc làm nhà cũng thuận lợi hơn.

Chúng tôi đến thăm điểm trường Mầm non và Tiểu học Huổi Hạ khi các em nhỏ chuẩn bị ăn trưa. Bữa ăn có thịt gà băm nhỏ xào mềm, canh củ cải ngọt. Cô giáo Hoàng Thị Tính, phụ trách điểm trường mầm non Huổi Hạ chia sẻ: “Trước đây giao thông khó khăn nên cứ một tuần một lần, giáo viên điểm trường lại phân công nhau ra huyện để mua thực phẩm. Tuy nhiên, điểm trường chưa có tủ lạnh để bảo quản vì bản chưa có điện lưới quốc gia nên thực phẩm được mua hầu hết là đồ để được lâu ngày như trứng, thịt hộp, cá hộp, các loại củ; chỉ 1, 2 ngày đầu tuần các em mới được ăn thức ăn nấu từ thực phẩm tươi sống. Từ ngày giao thông đi lại thuận tiện, cứ 2 - 3 ngày chúng tôi lại đi mua thực phẩm một lần, những bữa ăn của học sinh cũng được cải thiện, giàu dinh dưỡng hơn với nhiều thực phẩm tươi”.

Những ngày cuối năm 2020, công tác rà soát hộ nghèo tại Huổi Hạ cũng vừa hoàn thành. Tiễn chúng tôi ra đầu bản, trưởng bản Sùng A Lầu thông báo năm nay tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm gần 4% năm 2020. Dẫu biết rằng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều gian khó, nhưng đã có những bước chuyển mình.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top