Cấm đào rừng… Hiểu như thế nào cho đúng?

09:07 - Thứ Tư, 06/01/2021 Lượt xem: 6670 In bài viết

ĐBP - Sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấm tuyệt đối việc chặt cây đào và các loại cây khác của núi rừng, đặc biệt là núi rừng Tây Bắc để chơi Tết”. Trên mạng xã hội và dư luận đã chia thành 2 luồng ý kiến trái chiều và gây nhiều tranh cãi trong những ngày vừa qua. Một luồng ý kiến cho rằng việc cấm đào rừng là đúng vì như vậy sẽ giữ được vẻ đẹp của núi rừng. Luồng ý kiến khác cho rằng không có “đào rừng” mà chỉ có đào do người dân trồng nên việc cấm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên để giúp độc giả hiểu rõ về vấn đề này.

Gia đình ông Nguyễn Đức Lợi ở bản Bua 1, xã Ẳng Tở (Mường Ảng) trồng trên 1.000 gốc đào được lấy giống từ đèo Pha Đin để phục vụ du lịch và bán trong dịp Tết.

Về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có nội dung “Cấm tuyệt đối việc chặt cây đào và các loại cây khác của núi rừng, đặc biệt là núi rừng Tây Bắc để chơi Tết”. Ông Hà Lương Hồng cho biết: Trước hết phải khẳng định ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đúng, vì chặt cây đào hay bất kể loại cây nào ở rừng mà không được sự đồng ý của cơ quan chức năng thì đều được coi là hành vi khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, nếu hiểu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là cấm chơi đào rừng hay cấm chơi đào ở khu vực núi rừng Tây Bắc do người dân tự trồng, chăm sóc là hiểu chưa đúng.

Để làm rõ thêm nội dung này, ông Hồng cũng chia sẻ: Nếu hiểu một cách máy móc về “đào rừng” thì có thể hiểu rằng đào rừng chính là cây mà người Tây Bắc thường gọi là cây hoa Tớ Dày hay một số nơi khác gọi là Mai Anh Đào. Đây không phải là loại cây để người ta đem về nhà chơi Tết vì chỉ cần chặt cành lìa khỏi cây một lúc là hoa sẽ héo. Còn đào mà người dân thường chơi Tết vốn không phải loại cây rừng nhưng nó mọc ở trong rừng tự nhiên do người dân đi rừng ăn rồi vứt hạt hoặc do quá trình di chuyển bản, di chuyển chỗ ở nên trong rừng tự nhiên vẫn có nhiều cây đào. Thậm chí có những cây đã tồn tại rất nhiều năm và tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng Tây Bắc. Vậy ở đây phải hiểu đào rừng trong chỉ đạo của Thủ tướng là những cây đào đang tồn tại tự nhiên ở trong rừng, trong những diện tích có rừng hoặc đã được khoanh nuôi bảo vệ. Do đó, việc tự ý khai thác, mua bán, vận chuyển cành đào, cây đào hay bất kỳ loại cây khác trong những diện tích rừng nêu trên đều là hành vị bị cấm.

Đối với những cây đào do người dân tự trồng, chăm sóc thì vẫn được khai thác, mua bán và vận chuyển theo quy định tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về truy xuất nguồn gốc lâm sản. Ông Hà Lương Hồng cũng cho biết, nếu người dân có cây đào được trồng trên đất ở, đất nông nghiệp… hay diện tích đất không thuộc rừng thì khi muốn mua bán, vận chuyển cần báo cho chính quyền địa phương để phối hợp với lực lượng kiểm lâm xác minh và cấp giấy chứng nhận cho việc mua bán, vận chuyển. 

Như vậy có thể thấy, trong những năm trước đây người dân vẫn tự ý chặt cành đào, cây đào ở trên rừng về để bán đều là vi phạm pháp luật và do công tác quản lý chưa chặt chẽ. Trước thực trạng đó và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành NN&PTNT. Ngày 29/12/2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã ban hành “Công điện về việc tăng cường quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý lâm sản trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021”. Theo đó, yêu cầu Hạt trưởng Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành văn bản quán triệt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể phổ biến, tuyên truyền đến người dân về chủ trương “Cấm tuyệt đối việc chặt cây đào và các loại cây khác của núi rừng, đặc biệt là núi rừng Tây Bắc để chơi Tết”. Cùng với đó là tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ công tác liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vận chuyển lâm sản trái phép trước, trong và sau tết Nguyên Đán. Đặc biệt tập trung vào các phương tiện vận tải có vận chuyển cây đào, cành đào và các loại cây khác từ rừng để xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top