Ðào tạo nghề theo xu thế phát triển

09:28 - Thứ Sáu, 08/01/2021 Lượt xem: 4861 In bài viết

ĐBP - Ðể bắt kịp với những đổi mới và xu thế phát triển, tỉnh ta đã từng bước thực hiện đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội. Nhiều ngành nghề như công nghệ ô tô, điện công nghiệp, nghề làm tóc, trang điểm… đang được nhiều học viên quan tâm, lựa chọn bởi không chỉ dễ tìm việc làm mà còn có thu nhập cao sau học nghề.

Học viên lớp đào tạo nghề công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên trong giờ thực hành. Ảnh: Mai Phương

Xu hướng chọn nghề mới

Theo học năm thứ 3 ngành đào tạo công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, em Trần Tam Phố (đội 6, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) cho biết: Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em không thi đại học mà quyết định học nghề công nghệ ô tô. Khi lựa chọn nghề, em được gia đình ủng hộ vì nhận thấy hiện nay nhu cầu về sửa chữa, bảo dưỡng ô tô phát triển. Trong quá trình thực hành tại trường, em được tiếp cận và xử lý các tình huống hỏng hóc của động cơ ô tô, học lý thuyết song song thực hành trên thiết bị đào tạo. Em mong muốn sau khi ra trường có đủ điều kiện về kinh tế sẽ mở một xưởng sửa chữa ô tô riêng.

Còn với Tòng Văn Ngọc (bản Bánh, xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) cựu học sinh khóa 2014 - 2017, ngành công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, ngay sau khi ra trường đã tìm được việc làm ổn định tại xưởng sửa chữa xe ô tô Bình An, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ). Với 4 năm kinh nghiệm, Ngọc đã có mức thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng.

Ông Ðoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên cho biết: Năm 2020, ngoài các ngành nghề như: Kỹ thuật xây dựng, lâm sinh, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, công tác xã hội, hàn… Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên tuyển 194 học sinh ngành công nghệ ô tô, 70 học sinh ngành điện công nghiệp theo trình độ cao đẳng, trung cấp. Với xu thế phát triển hiện nay, đây là những ngành nghề được các học sinh quan tâm, lựa chọn. Gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội, thu hút học sinh học nghề, Trường đã bám sát nhu cầu việc làm để mở các nghề đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðồng thời, phối hợp với các ngành chuyên môn khảo sát, đánh giá nhu cầu việc làm, tránh tình trạng học sinh ra trường không tìm được việc làm. Sau khi tốt nghiệp, đa số học viên đều có cơ hội làm việc tại các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy ngoài tỉnh và tại các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô trên địa bàn.

Không chỉ với ngành sửa chữa ô tô, điện công nghiệp mà hiện nay các nghề làm tóc, trang điểm cũng được nhiều học viên nữ quan tâm, lựa chọn. Năm 2020 là năm đầu tiên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam) phối hợp tổ chức đào tạo miễn phí nghề làm tóc và trang điểm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Với định mức lên tới 30 triệu đồng/học viên/khóa, nghề làm tóc, trang điểm đã thu hút gần 60 học viên tham gia và được kỳ vọng là nghề có thu nhập cao.

Tiến tới chuyển dịch cơ cấu lao động

Ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 42.300 người, trong đó có 37.000 lao động nông thôn. Riêng năm 2020, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.000 người. Mặc dù bị tác động bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến cho các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên phải cho học sinh sinh viên tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nhưng kết quả đào tạo nghề năm 2020 vẫn vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Cụ thể, tuyển mới và đào tạo được 8.055 người; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chung của toàn tỉnh đạt 77%. Trong đó, các huyện: Ðiện Biên tỷ lệ có việc làm đạt trên 80%, Tuần Giáo đạt trên 75%; Ðiện Biên Ðông đạt 80%. Với xu hướng chọn nghề phù hợp nhu cầu phát triển của xã hội, đào tạo nghề đã chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tăng dần ở các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và giảm dần nghề nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển còn chậm, chưa vững chắc, còn chênh lệch về trình độ giữa các huyện vùng cao và vùng thấp; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt so với mục tiêu song chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động; số lượng lao động nông thôn sau khi học nghề có nhu cầu làm việc tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh còn thấp.

Mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 người/năm; năm 2021 tuyển mới và đào tạo cho 8.100 người. Ðể hoàn thành mục tiêu trên, Ðiện Biên cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cung cấp sản phẩm đào tạo nghề có chất lượng, người lao động sau khi học nghề phải đảm bảo thành thạo kỹ năng nghề, gắn kết quả đào tạo với giải quyết việc làm theo địa chỉ. Các trường, cơ sở dạy nghề chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng năng lực thực hiện; đẩy mạnh đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun, tín chỉ; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp THCS (mô hình 9+), đặc biệt là duy trì hoạt động phối hợp, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để gắn kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top