Cầu nối đưa thông tin đến với người dân

08:25 - Thứ Bảy, 09/01/2021 Lượt xem: 5560 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến bản Sam Lang, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) trong một buổi tối giao lưu văn nghệ, tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi lao động tham gia học nghề và làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Thấy rõ sự quan tâm, hào hứng theo dõi của người dân từ thanh niên đến người già, mới hiểu vai trò, ý nghĩa quan trọng của Ðội tuyên truyền lưu động.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Câu chuyện vùng cao” tuyên truyền vận động người lao động đi học nghề và làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: C.T.V

Hàng năm cùng với việc phục vụ văn hóa tinh thần (chiếu phim, biểu diễn các tiết mục múa, hát, kịch...), Ðội tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Nậm Pồ còn chủ động xây dựng kịch bản lồng ghép các nội dung tuyên truyền về đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới; phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em; bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội; tuyên truyền giáo dục pháp luật, lao động việc làm cùng chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới toàn thể người dân.

Ðể người lao động nhận thức đúng về nghề than, tham gia học việc và làm nghề than, giảm thiểu hiện trạng canh tác lạc hậu trên nương rẫy; Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức. Tuyên truyền thông qua phóng sự, truyền tải những hình ảnh cụ thể về người lao động huyện Nậm Pồ đang làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Ðội tuyên truyền lưu động còn tự viết kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền “Câu chuyện vùng cao”, luyện tập và biểu diễn. Kịch bản dựa trên tình hình thực tiễn của địa phương, với ngôn ngữ dễ hiểu, lối diễn trong sáng, giản dị đã truyền tải tới bà con nhân dân ở các bản vùng sâu, vùng xa về những lợi ích của người lao động khi đi lao động tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Qua tuyên truyền, đã tác động tích cực tới nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Có mặt tại buổi tuyên truyền, anh Giàng A Hòa, dân bản Sam Lang cho biết: Chúng tôi không chỉ được xem các tiết mục văn nghệ, múa, hát đặc sắc mà còn được tiếp nhận các thông tin về lao động việc làm, giáo dục pháp luật… Trong phóng sự tôi xem có nhiều người Mông ở xã, huyện mình đi học nghề than và làm nghề than, có thu nhập ổn định hơn chục triệu đồng mỗi tháng, tôi thích lắm. Người dân Sam Lang từ trước tới nay chỉ quen làm nương, làm ruộng, thu nhập bấp bênh, vất vả quanh năm nhưng chỉ đủ ăn. Qua buổi tuyên truyền này, tôi sẽ tìm hiểu, nghiên cứu thêm có thể sẽ đăng ký tham gia chương trình học và làm nghề than.

Thông qua các buổi tuyên truyền lưu động đưa thông tin về cơ sở nhận thức của người dân được nâng lên. Nhiều người dân thấy được ý nghĩa, lợi ích của việc học nghề và đi lao động cho công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ; riêng trong năm 2020, huyện có 59 lao động tham gia học tập và làm việc cho Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá giả trong bản. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Mùa A Hảng, bản Huổi Khương 2, xã Vàng Ðán.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hảng cho biết: Năm 2019, từ chương trình tuyên truyền lưu động đưa văn hóa về cơ sở, tôi biết đến cơ hội học và làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Tôi đã đăng ký tham gia, sau khi học 3 tháng được đi làm và có thu nhập ngay. Ðến nay lương của tôi hơn 20 triệu đồng/tháng. Nhờ có thu nhập ổn định hàng tháng tôi đều có tiền gửi về cho vợ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Cũng nhờ có nghề, thu nhập ổn định, tháng 11/2020 tôi đã xây được ngôi nhà mới khang trang, mua 2 cặp bò sinh sản về gây giống. Tôi thấy đi làm than tuy vất vả, phải xa gia đình, nhưng có cuộc sống ổn định hơn so với trước kia làm nương nhiều lần...

Ông Vũ Hữu Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Nậm Pồ cho biết: Ðến thời điểm hiện tại toàn huyện có 148 trạm thu phát sóng thông tin di động (trong đó 60 trạm 3G và 29 trạm 4G); 10/15 xã có đài truyền thanh xã. Tuy nhiên do đặc thù địa hình vùng cao, giao thông cách trở, nhiều bản chưa có điện, đường ô tô, công tác tuyên truyền chủ yếu phụ thuộc vào Ðội tuyên truyền lưu động. Thời gian qua huyện đã duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ðội tuyên truyền lưu động, các đội văn nghệ cơ sở. Nhằm tuyên truyền, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, trong năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với Ðội chiếu bóng số 2, Trung tâm Văn hóa, Ðiện ảnh tỉnh, chiếu phim phục vụ nhân dân 80 buổi tại 50 điểm bản thuộc 9 xã thu hút trên 21.000 lượt người xem. Thực hiện tuyên truyền lưu động về cơ sở với chủ đề “Học nghề và làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam” 9 đợt tương ứng với 9 xã, đưa thông tin về với 31 bản vùng sâu, vùng xa...

Thời gian tới để chương trình tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất, ngoài đổi mới nội dung tuyên truyền, Trung tâm lồng ghép vào chương trình những tiết mục hát, múa tùy theo văn hóa dân tộc của nơi đến lưu diễn, đảm bảo chương trình hấp dẫn, có tính giao lưu, giải trí, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người nghe, người xem.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top