Dạy nghề theo nhu cầu

08:21 - Chủ Nhật, 10/01/2021 Lượt xem: 4633 In bài viết

ĐBP - Năm 2020, mặc dù bị tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh ta vẫn triển khai thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề; tiếp tục duy trì việc phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp ngoài tỉnh giải quyết việc làm cho người lao động.

Học viên lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò tại thôn Ðông Phi (thị trấn Tủa Chùa) thực hành trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.

Trong năm 2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 8.055 người, đạt 100,69% kế hoạch; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 77,26%. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhưng tỉnh ta vẫn tiếp tục duy trì việc phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp ngoài tỉnh như: Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty SAMSUNG Electronic, Công ty TNHH Ðầu tư phát triển nguồn nhân lực IRE, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long, Công ty TNHH Fuhong Pcelision compohent để giải quyết việc làm cho lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng; một số lao động cho Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có thu nhập trên 23 triệu đồng/tháng.

Ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chú trọng công tác điều tra, khảo sát để xác định nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ để tổ chức đào tạo người lao động có kỹ năng nghề. Chú trọng quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; gắn kết chặt chẽ đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nói chung; kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng nhằm đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề, khắc phục những hạn chế trong quá trình tổ chức tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng huyện Mường Nhé trong năm qua đã tổ chức 9 lớp dạy nghề cho 233 học viên, tạo việc làm mới cho 714 lao động; hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ cho 36 lao động tham gia học tập và làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và 29 lao động tham gia xuất khẩu lao động. Anh Sồng A Cương, bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé cho biết: Qua kết nối của UBND huyện, năm 2020 tôi được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhận đào tạo và ký hợp đồng lao động tại tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, mức lương hàng tháng của tôi từ 13 - 16 triệu đồng.

Năm 2020, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đã khắc phục khó khăn, tổ chức tuyển sinh được 2.041 học viên, đạt 141% kế hoạch (trong đó có 400 học viên trình độ trung cấp và cao đẳng; còn lại trình độ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn). Nhà trường đã tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng cho 107 học viên hệ trung cấp, cao đẳng; công nhận tốt nghiệp cho 1.943 học viên hệ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. Tỷ lệ lao động đi làm việc sau đào tạo đạt 70 - 75%.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên cho biết: Hàng năm, trường thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề của học viên, nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu lao động và cơ cấu ngành nghề của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn tích cực phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để tham gia các hội chợ việc làm; tổng hợp nhu cầu của doanh nghiệp, tư vấn cho học viên lựa chọn nghề phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận được nhiều đề nghị phối hợp đào tạo lao động từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Do đó, 100% học viên sau đào tạo đều được tạo cơ hội làm việc.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top