Chuyển biến sau một năm thực hiện Nghị định 100

09:18 - Thứ Tư, 13/01/2021 Lượt xem: 5860 In bài viết

ĐBP - Sau hơn một năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định số 100/2019/NÐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ý thức tham gia giao thông của người dân trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tốt hơn, góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.

Lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.

Một trong những điểm nhấn của Nghị định 100 là xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông khi phát hiện nồng độ cồn trong khí thở, với mức xử phạt có thể lên đến 40 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Ðể thực hiện có hiệu quả Nghị định, thời gian qua lực lượng công an tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; xây dựng các kế hoạch chuyên đề tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong người có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn... Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, góp phần ổn định trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, các cấp, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100; nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông… Sau hơn một năm thực hiện, ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn, nhất là đối tượng thanh niên đã được nâng lên rõ rệt.

Anh Nguyễn Văn Hải, lái xe taxi Mai Linh trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Trước đây, tôi có sử dụng rượu, bia khi lái xe. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực với mức phạt cao, trước khi lái xe tôi không dám uống rượu bia dù chỉ là một lon bia hay một chén rượu. Bởi “thiệt hại kinh tế” là rất lớn nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử phạt.

Theo thống kê, năm 2020 lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 7.455 trường hợp vi phạm giao thông, xử lý 6.741 trường hợp, xử phạt hơn 5,8 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chuyên đề về xử lý nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã lập biên bản 958 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chủ yếu người điều khiển xe máy với 905 trường hợp. Trong đó, xử lý vi phạm hành chính 487 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 413 trường hợp. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, số vụ tai nạn giảm 104 vụ (giảm 33,5%), số người chết giảm 43 người (giảm 25,6%) và số người bị thương giảm 147 người (giảm 46,5%).

Theo Thượng tá Trần Văn Vang, Phó phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), thì Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ với các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước đây đã tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và ý thức tham gia giao thông của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Ðây là tín hiệu tích cực, góp phần đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông ở địa phương, kéo giảm số vụ tai nạn, va chạm giao thông và những hệ lụy do rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, loại bỏ sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cần tiếp tục có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định 100, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, hành vi điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, nhất là dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top