Thoát nghèo từ nhận thức, ý chí vươn lên

09:49 - Thứ Tư, 13/01/2021 Lượt xem: 7215 In bài viết

ĐBP - Cùng với các mô hình, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế do Nhà nước triển khai, hỗ trợ thì để giảm nghèo bền vững cần nội lực từ chính hộ dân, cộng đồng dân cư. Ðó là ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, chủ động, tích cực, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình, thay đổi diện mạo thôn, bản.

Lãnh đạo xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) thăm mô hình cây ăn quả của gia đình anh Lò Văn Bắc, bản Nà Luống. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ước đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 29,93%, giảm 3,12% so với năm 2019. Góp phần vào kết quả đó là những người tiên phong, dám đầu tư, thay đổi, tìm hướng đi mới cho những tấc đất, mảnh nương. Từ mô hình kinh tế gia đình mình, họ truyền động lực, kinh nghiệm để nhiều hộ dân khác học hỏi, làm theo, thậm chí còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động trên địa bàn. Cũng từ đó, khởi nghiệp, gây dựng mô hình kinh tế riêng trở thành phong trào được nhân lên rộng rãi.

Anh Lò Văn Bắc, bản Nà Luống phát triển cây cam, bưởi trên diện tích nương bạc màu, là mô hình cây ăn quả có múi đầu tiên của xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ). Từ năm 2016, anh Bắc bắt đầu tìm hiểu và vay vốn ngân hàng đầu tư giống cam, bưởi về trồng. Anh lặn lội đi Tuyên Quang mua giống và học cách trồng cam sành Hàm Yên, rồi nhân giống cả cam Vinh, bưởi Ðoan Hùng, bưởi da xanh… Ðến nay diện tích nương khoảng 2ha của gia đình anh đã phủ kín cây ăn quả, ước chừng 500 gốc cam, 200 gốc bưởi. Năm trước, một số cây cho bói quả. Ðến năm 2020, hầu hết diện tích đồng loạt cho thu hoạch. Anh Bắc chia sẻ: Làm nương thì cứ 2 - 3 năm lại phải bỏ hoang vài năm vì đất bạc màu, mà trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế thấp nên tôi tìm hướng phát triển loại cây khác. Thấy nhiều nơi trồng cam, bưởi, giá trị kinh tế cao, lại thu được lâu dài nên tôi quyết tâm vay vốn đầu tư, tự học hỏi. Mới là vụ đầu bán ra thị trường nhưng thấy khá ổn. Tư thương vào tận vườn lấy hàng; cam bưởi sai quả, được đánh giá mọng nước, có hương thơm đặc trưng. Từ đầu vụ đến giờ, nhà tôi bán được khoảng gần 3 tấn, có thể bán đến Tết. Tuy nhiên cam năm nay cạnh tranh nhiều nên giá bán thấp, mới thu hoạch nên cam cũng còn vị chua, tôi sẽ tìm cách dần khắc phục, nâng cao hơn nữa chất lượng quả.

Chủ tịch UBND xã Nà Tấu Lò Văn Toản khẳng định: Vườn cây ăn quả của gia đình anh Bắc là mô hình cây ăn quả có múi duy nhất của xã đến thời điểm này. Tiên phong, tự đầu tư, học kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây, anh Bắc phát triển vườn cam, bưởi thành điển hình của xã. Với hiệu quả bước đầu, đây là mô hình để người dân trên địa bàn nghiên cứu, học hỏi, xóa đói giảm nghèo.

Còn tại những địa bàn khó khăn hơn, nhiều bản, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bằng sự cần cù, chịu khó, lấy những chính sách hỗ trợ của Nhà nước làm động lực, đòn bẩy phát triển kinh tế gia đình chứ không trông chờ, “dựa dẫm” vào đó. Các bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2, Pá Sáng (xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên) người dân cũng đã có nhận thức cao về việc vươn lên thoát nghèo. Mỗi bản có hàng trăm con trâu, bò. Ðặc biệt tại Nậm Ty 1, 2, có những hộ có đến 50 - 80 con trâu, bò. Ðây cũng là 3 bản đi đầu của xã trong khai hoang ruộng nước. Ðời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng lên. Tuy nhiên do chưa có điện lưới quốc gia, đường đến Nậm Ty khó khăn và một số tiêu chí theo chuẩn nghèo đa chiều chưa đạt nên hầu hết các hộ dân 3 bản này vẫn là hộ nghèo. Tháng 5/2020, đường điện đã kéo đến từng nhà dân bản Pá Sáng, nhưng đến nay vẫn chưa được đóng điện. Ðây là mong mỏi của người dân cả bản. Trưởng bản Hờ A Chu cho biết: “Mặc dù Pá Sáng nằm gần quốc lộ nhưng đến nay vẫn chưa có điện. Nếu có điện thì tính theo thang điểm, bản sẽ có thêm nhiều hộ thoát nghèo. Cuộc sống người dân cơ bản đảm bảo, cả bản chỉ còn 7 - 8 hộ đói giáp hạt nhưng vẫn có hơn 40/60 hộ nghèo, những hộ thoát nghèo chủ yếu là ở khu dưới, sát đường, kéo được điện”.

Mới đây, 22 hộ dân bản Pá Sáng được hỗ trợ khai hoang đất trồng lúa với hơn 88,2 triệu đồng cho trên 88.200m2 ruộng 1 vụ. Ðây là diện tích người dân khai hoang từ năm 2018 đến nay và đầu tư nhiều tiền của thuê máy móc khai hoang và công sức hoàn thiện, cải tạo ruộng. Một số hộ khai hoang được nhiều như: Giàng A Dạ khai hoang gần 1,14ha, Lầu A Thào khai hoang hơn 5.600m2, Lầu Giống Mua khai hoang mới gần 5.700m2, Hờ A Tàn khai hoang gần 6.000m2… Nhờ đó từ truyền thống canh tác trên nương, cả bản hiện có gần 20ha ruộng, 70 - 80% hộ dân có ruộng nước. Anh Thào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh cho biết: “Người dân các bản vùng cao của xã đã có ý chí vươn lên thoát nghèo, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình nhưng vì nhiều nguyên nhân mà tính theo tiêu chí đa chiều các bản đều có tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo rà soát mới đây của xã, năm 2020 toàn xã còn 268 hộ nghèo (34,36%), giảm 5,61% so với năm 2019. Ðể xóa đói giảm nghèo bền vững, xã tiếp tục thúc đẩy kéo điện, đóng điện cho các bản vùng cao, đầu tư các công trình an sinh xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng và vận động nhân dân phát triển đàn gia súc, trồng cây vụ đông”.

Xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ được xác định phải thực hiện và duy trì dài lâu. Nhưng nếu người dân nỗ lực vươn lên, có ý chí thoát nghèo, chịu đổi mới, học hỏi, tiếp thu thì công tác này sẽ bớt khó khăn và có thể đạt được mục tiêu sớm hơn.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top