Phòng ngừa tác hại nghề nghiệp cho người lao động

09:30 - Thứ Tư, 20/01/2021 Lượt xem: 5032 In bài viết

ĐBP - Tác hại nghề nghiệp là những yếu tố trong quá trình sản xuất và điều kiện lao động có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng lao động của người lao động gây nên những rối loạn bệnh lý hoặc các bệnh nghề nghiệp đối với những người tiếp xúc.

Tác hại nghề nghiệp có thể phân ra làm 3 loại. Ðó là tác hại nghề nghiệp liên quan đến tổ chức lao động không hợp lý, tác hại nghề nghiệp liên quan đến quy trình sản xuất và tác hại nghề nghiệp liên quan tới điều kiện vệ sinh kém.

Tác hại nghề nghiệp liên quan đến tổ chức lao động không hợp lý: Việc tổ chức lao động không hợp lý có thể gây rất nhiều tác hại lên sự cân bằng trạng thái sinh lý, sinh hoá của cơ thể người lao động, từ đó sinh ra các rối loạn bệnh lý. Thời gian lao động quá dài có thể gây nên sự căng thẳng về thần kinh, thể chất gây đau mỏi, thậm chí co cứng cơ, mất khả năng hoạt động. Cường độ lao động quá nặng nhọc và khẩn trương dẫn tới sự phối hợp giữa các nhóm cơ, các bộ phận không hợp lý dễ gây nên tai nạn lao động hoặc tăng nhanh quá trình mệt mỏi. Nhiều lao động phải làm việc ở các tư thế không hợp lý, nhiều động tác uốn, vặn sẽ làm tăng nhanh sự mệt mỏi của thần kinh và thể chất.

Tác hại nghề nghiệp liên quan đến quy trình sản xuất: Ðó là trong quá trình sản xuất các yếu tố tác hại nghề nghiệp mang đặc trưng vật lý, lý hóa, vi sinh vật... có thể phát sinh hoặc tăng tác dụng xấu lên cơ thể người lao động. Các yếu tố vật lý, như: vi khí hậu, bức xạ, áp lực không khí không bình thường, rung chuyển... thường xuyên tác động lên cơ thể làm ảnh hưởng đến sự cân bằng các phản ứng sinh lý của cơ thể. Các yếu tố lý hóa đó là trong môi trường bụi, hơi khí độc gây rất nhiều rối loạn bệnh lý và bệnh nghề nghiệp. Các loại bụi hữu cơ (lông súc vật, bông, đay, phấn hoa) gây phản ứng dị ứng co thắt khí phế quản, các loại bụi vô cơ như các kim loại (đồng, chì, kẽm, sắt…) hay các bụi vô cơ nhân tạo (xi măng, thuỷ tinh…) có thể gây xơ hóa phổi không hồi phục.

Tác hại nghề nghiệp liên quan tới điều kiện vệ sinh kém: Ðó là trong điều kiện vệ sinh kém (độ thông thoáng trong môi trường, các thiết bị vệ sinh và an toàn lao động…) tác động lên người lao động làm cho các giác quan cũng như toàn thân nhanh chóng mệt mỏi làm giảm năng suất lao động, dễ gây các tai nạn nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp.

Ðể phòng ngừa tác hại nghề nghiệp cho người lao động, cùng với việc tuân thủ nội quy về an toàn lao động; người lao động phải sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách. Ðây là những dụng cụ, thiết bị được doanh nghiệp trang bị cho công nhân (quần áo, mũ, kính, giày…) giúp họ đảm bảo an toàn và giảm thiểu những thương tổn có thể xảy ra nếu gặp phải các tai nạn lao động. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động khác nhau. Vì vậy, khi được doanh nghiệp cung cấp đồ bảo hộ lao động, người lao động không được chủ quan và phải sử dụng đúng cách những đồ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, người lao động phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Và đặc biệt là phải khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe (nếu có).

Gia Kiệt (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top