Thực hiện việc cấm chặt đào rừng

Cần có hướng dẫn cụ thể

09:05 - Thứ Năm, 28/01/2021 Lượt xem: 5814 In bài viết

ĐBP - Vừa qua Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo cấm tuyệt đối việc chặt cây đào rừng để chơi tết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể hay đánh giá, phân biệt đào rừng, đào trồng, dẫn đến nhiều người trồng đào trên địa bàn tỉnh băn khoăn khi tết đã cận kề.

Thay vì lấy đào từ vùng cao xuống bán, năm nay nhiều thương lái chuyển sang bán các loại cây cảnh, các loại hoa hoặc đào trồng đưa từ các tỉnh dưới xuôi lên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành công điện về việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo đó, yêu cầu hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành văn bản quán triệt nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ðồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể tuyên truyền đến người dân về chủ trương cấm chặt cây đào rừng để chơi tết. Cùng với đó, tham mưu cho các địa phương thành lập tổ công tác liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.

Chỉ đạo về việc cấm chặt đào rừng của Thủ tướng Chính phủ được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số người trồng đào băn khoăn, lo lắng. Ðiển hình, tại xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông) một trong những xã có diện tích trồng đào lớn nhất huyện. Hầu hết cây đào được người dân trồng trên đất nương, đồi và vườn nhà. Những năm trước đây, vào thời điểm này, thương lái từ nhiều nơi lên Phì Nhừ mua cành đào. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cấm chặt đào rừng nên đến nay rất ít thương lái lên Phì Nhừ mua cành đào.

Ông Mùa Chống Sếnh, người dân xã Phì Nhừ cho biết: Thời điểm này những năm trước nhà tôi đã tất bật cắt cành đào đem bán. Nhưng năm nay có chỉ đạo về cấm chặt đào rừng, chúng tôi rất hoang mang, vì đào này không phải là đào rừng mà do chúng tôi trồng ở nương. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể, giải quyết thuận lợi nhất để người dân khai thác cành đào, vì tết đến nơi rồi.

Không chỉ người trồng đào, các thương lái cũng băn khoăn, lo lắng không kém. Bởi khi chưa có hướng dẫn cụ thể nếu mua hoặc vận chuyển cành đào về xuôi bán rất có thể bị lực lượng chức năng xử lý. Thực tế, vừa qua một thương lái đến từ Ba Vì (TP. Hà Nội) mua cành đào của người dân trên địa bàn huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) khi đang trên đường vận chuyển về Hà Nội đã bị lực lượng chức năng giữ lại và yêu cầu truy xuất nguồn gốc của lô cành đào.

Anh Nguyễn Văn Toán, bán đào trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Thời điểm này những năm trước, dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ từ Bến xe khách tỉnh đến cầu A1, người dân bày bán cành đào rất nhiều. Tuy nhiên năm nay mới chỉ có 1 - 2 hộ bày bán. Những năm trước, tôi thường gom cành đào của người dân các xã, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh về bán, nhưng năm nay có quy định cấm chặt đào rừng nên tôi chuyển sang bán các loại hoa, cây cảnh và một số cây đào thế mua từ các nhà vườn.

Tìm hiểu thực tế thì do nhiều người chưa hiểu đúng ý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi tết; còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng. Lo lắng của người trồng đào, buôn đào một phần đã được tháo gỡ khi ngày 18/1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 356/BNN-TCLN về tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, người dân được khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn trồng và quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, để phân biệt đào rừng và đào trồng có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính gây ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Mặc dù đã có hướng dẫn phân biệt đào rừng, đào trồng bằng cách xác nhận nguồn gốc, tuy nhiên thực tế khi thực hiện lại không dễ dàng. Hiện nay, cả nước mới có tỉnh Sơn La thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc đào. Trong khi, từ nay đến tết Nguyên đán chỉ còn chưa đến 2 tuần, nếu không triển khai sớm việc truy xuất nguồn gốc thì sẽ không kịp để người dân khai thác đào trồng để bán. Nếu cứ chậm trễ thì người trồng đào năm nay sẽ thất thu bởi thời gian cao điểm buôn bán đào tết chỉ diễn ra khoảng 15 - 20 ngày trước tết.

Việc truy xuất nguồn gốc cây đào gặp không ít khó khăn, không phải địa phương nào cũng làm được, nhất là đối với những hộ dân trồng đào không tập trung. Trong khi việc xác định nguồn gốc đào, chính quyền địa phương cũng gặp nhiều lúng túng. Bởi theo quy định đào rừng là đào mọc tự nhiên, còn đào do người dân trồng thì khuyến khích, thế nhưng nếu đào do người dân trồng trên đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ xác định nguồn gốc như thế nào? Người dân trồng đào ở các bản, xã vùng cao, nhiều diện tích đất canh tác khai hoang từ đời ông cha để lại, đến nay vì nhiều lý do nên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, một số diện tích đất nương canh tác của người dân bỏ hoang nhiều năm, không canh tác nhưng có trồng đào thì được tính như thế nào?

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top