Một người đặc biệt

17:35 - Thứ Năm, 28/01/2021 Lượt xem: 5001 In bài viết

ĐBP - Ông Lò Văn Phẹp, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản kiêm Tổ trưởng Tổ dân vận bản Lạn, xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng) là một người đặc biệt, ai cũng quý mến, kính trọng. Những buổi tuyên truyền, họp dân triển khai, phổ biến về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được bà con chăm chú lắng nghe, vui vẻ thực hiện.

Ông Lò Văn Phẹp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn hóa.

Người giữ hồn dân tộc

Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn Lò Văn Ðoàn dẫn chúng tôi đi bộ qua con dốc quanh co lên lưng chừng đồi. Dưới gầm sàn, một ông già dáng người nhỏ bé đang say sưa giảng bài và học sinh thì đủ lứa tuổi khác nhau.

Ông Ðoàn giải thích: Ðây là buổi dạy chữ Thái của ông Phẹp. Chẳng tiền nong gì đâu! Lớp học trở nên sôi nổi khi “ông giáo” lần lượt gọi học sinh lên bảng viết lời giới thiệu bản thân bằng chữ Thái sau đó đọc cho cả lớp nghe. Rồi ông giáo nhận xét, chấm điểm.

Tiễn học sinh ra về rồi quay lại mời khách lên nhà, ông Lò Văn Phẹp chia sẻ: “Mình vốn là giáo viên tiểu học, nghỉ hưu hơn chục năm rồi. Ðiều mình luôn đau đáu là làm sao gìn giữ được ngôn ngữ, chữ viết Thái. Có như vậy phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc Thái mới không bị mai một”. Cũng vì tâm huyết ấy, ông Phẹp dành nhiều thời gian nghiên cứu, biên soạn giáo án để dạy chữ Thái và những lời ca, điệu múa truyền thống. Ðể dạy chữ Thái đạt hiệu quả, ông luôn soạn những bài giảng gần gũi, thiết thực với đời sống sinh hoạt hàng ngày giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đọc, dễ viết. Trong đó kết hợp sử dụng những từ Thái cổ và những từ gần nghĩa với tiếng Việt nhất. Trong câu chuyện, ông Phẹp đọc cho chúng tôi nghe câu thơ thường răn dạy con cháu như để lưu giữ hồn dân tộc: “Khan pên pết nọi hã chí xo ép sáy/ Khan pên cáy nọi hã chí xo ép khăn”. (Tạm dịch: Là vịt con ta xin học đẻ trứng/ Là gà con ta xin học gáy).

Tiếng lành đồn xa, không chỉ người trong bản mà nhiều bản khác trong xã cũng mời ông đến dạy. Rồi người biết hướng dẫn cho người chưa biết đã giúp thêm nhiều người Thái ở Mường Lạn đã biết đọc, viết chữ của dân tộc mình.

Sợi chỉ kết đoàn

Bản Lạn có 156 hộ, trong đó 132 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Ðây cũng là bản có số đảng viên nhiều nhất trong xã với 38 đảng viên.

UBND xã Mường Lạn vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp trên khen tặng ông Phẹp với nhiều thành tích xuất sắc trong hơn 10 năm đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, người làm công tác dân vận khéo. Ông có tới vài chục giấy khen của các cấp, ngành. Nhiệm kỳ này ông xin rút, không tham gia các hoạt động của bản nữa, nhưng người dân vẫn “đòi” ông làm trưởng bản, giữ nguyên các vị trí cũ mới chịu - Phó Chủ tịch UBND xã Lò Văn Ðoàn cho biết.

Khi thực hiện chủ trương làm đường giao thông liên bản, liên xã với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ dân ở bản Lạn có đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp trên tuyến. Gia đình nào cũng đòi đền bù thì mới bàn giao mặt bằng, có trường hợp còn đến tận phòng làm việc của Bí thư, Chủ tịch xã đòi quyền lợi nếu không nhất định không cho làm đường. Do Phó Chủ tịch UBND xã Lò Văn Ðoàn là người cùng bản nên nhiều cụ già đến nhà đòi hỏi chế độ đền bù. Ấy vậy mà ông Phẹp chỉ mất vài buổi giải thích, vận động là bà con hiểu ra, tự nguyện hiến đất làm đường.

Ðường liên bản Lạn - bản Nhộp, bản Lạn A - bản Lạn B, bản Lạn - Xuân Ðứa với tổng chiều dài trên 3 cây số trước đây là đường mòn, có đoạn phải men theo bờ suối. Việc đi lại khó khăn, cứ mưa là ngập lụt, mưa to kéo dài là phải đi vòng lên đồi; khổ nhất là các cháu nhỏ hàng ngày đi học. Nhưng ban đầu vận động làm đường thì không hộ nào muốn hiến đất. Song với uy tín, sự khéo léo chia sẻ, tận tình giải thích của ông Phẹp về những lợi ích tuyến đường mang lại thì nhiều hộ đã vui vẻ đồng thuận.

Ở bản Lạn, gia đình nào mâu thuẫn hoặc chưa tuân thủ quy định, hương ước, ông Phẹp thường gặp riêng nhắc nhở. Trong bản, cháu nào đi học mà tiếp thu chậm, ngại học, muốn bỏ học, ông đến nhà hỏi han, tìm hiểu nguyên nhân, động viên, thậm chí đón về nhà “bổ túc” cho vài buổi là lại vui vẻ đến trường. Hay một số thanh niên lười lao động, thường xuyên rượu chè, ngỗ ngược, đi xe máy bốc đầu, không đội mũ bảo hiểm, bố mẹ nói bỏ ngoài tai, nhưng được ông Phẹp khuyên nhủ, phân tích đã hiểu ra, chí thú làm ăn.

Miệt mài “truyền lửa”, giáo dục con cháu biết trân quý bản sắc văn hóa, giữ hồn dân tộc, ông Phẹp là tấm gương không chỉ người dân bản Lạn mà các thôn bản khác noi theo.

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top