Chiêu Ly giữ lại sắc đào

17:43 - Thứ Sáu, 29/01/2021 Lượt xem: 4649 In bài viết

ĐBP - Ðẹp tự nhiên, phóng khoáng đậm chất núi rừng nên từ lâu đào rừng đã được nhiều người ưa thích chọn mua về chơi tết. Cũng bởi thế những năm qua đào rừng bị khai thác nhiều và đang có nguy cơ bị tận diệt. Vậy nhưng, ở bản Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà), những cây đào rừng đã được trồng và khai thác hợp lý, nên không chỉ được bảo tồn mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Ông Hồ Nhè Sùng bên gốc đào hơn 70 năm tuổi.

Người nặng lòng với cây đào

“Có một thời gian, đào ở Chiêu Ly cũng có nguy cơ bị tận diệt. Nhưng bây giờ Chiêu Ly là nơi an toàn để đào mốc, đào phai bung sắc giữa những tảng đá tai mèo” - Ðó là lời tâm sự mở đầu cho câu chuyện của người trồng nhiều đào nhất bản - ông Hồ Nhè Sùng.

Nhấp ngụm trà nóng, vừa xuýt xoa trong cái lạnh chiều đông, ông Hồ Nhè Sùng chậm rãi kể: Từ khi chúng tôi còn bé đã thấy những cây đào cổ thụ ở đây. Cứ mỗi dịp xuân về đào bung hoa khắp các bản, đẹp lắm. Song những năm qua, nhiều cây đào đã bị chặt mang bán cho người chơi đào tết. Trong khi các chủ hộ có cây đào cuộc sống còn khó khăn, thu nhập và nhận thức còn hạn chế. Khi bà con biết một gốc đào đẹp có thể thu được số tiền bằng họ làm cả năm trời họ sẵn sàng chặt bán cả cây, thậm chí còn đào cả gốc đem bán. Chẳng nói đâu xa, ngay cạnh nhà tôi có gốc đào hơn 70 năm tuổi. Vì là đào cổ thụ, cành rêu mốc bán được giá nên chủ nhà đã chặt cành bán gần hết. Còn lại gốc đào cũng có người đến tận nơi hỏi mua, nhưng xót quá tôi đã khuyên chủ nhà giữ lại vì ở bản những gốc đào như vậy chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Xót xa trước nguy cơ đào rừng bị tận diệt, ông Sùng nghĩ cách tốt nhất để bảo vệ cây đào chính là trồng và khai thác hợp lý. Vậy là, gần chục năm qua, tận dụng diện tích đất trống ở quanh nhà, trong vườn, trên nương, ông Sùng đã tự tay trồng hàng trăm gốc đào rừng. Ðến nay ông đã có hơn 250 gốc đào. Theo ông Sùng thì trồng đào rừng không khó bởi cây đã thuần với khí hậu, thổ nhưỡng. Sau 3 năm cây đào có thể ra hoa. Hiện tại, gia đình ông Sùng có hơn 100 gốc đào từ 5 tuổi trở lên đã có thể khai thác. Còn khoảng 100 gốc đã từ 2 - 3 năm tuổi.

Giữ sắc đào rừng cho tết

Ở Chiêu Ly, gia đình anh Hồ A Chía và chị Giàng Thị Dùa cũng trồng đào từ nhiều năm. Trước đây, anh Chía chỉ trồng đào ở xung quanh nương để lấy quả ăn. Sau này, thấy cành đào bán được giá, vợ chồng anh đã chặt cành, thậm chí cả cây rồi chuyển xuống quốc lộ 12 bán cho những thương lái chuyên đi thu mua đào. Tuy nhiên, nhận thấy đào rừng cứ ngày một hiếm dần, gia đình anh Chía cũng như nhiều gia đình khác ở Chiêu Ly đã học theo cách làm của ông Sùng, đó là trồng cây mới rồi mới khai thác. Nhờ đó đến nay anh Chía đã trồng được hơn 50 gốc đào trước vườn nhà. Khác biệt với đào thế, đào cảnh, đào rừng để dáng vươn tự nhiên, không uốn. “Từ tết năm ngoái, gia đình tôi đã bắt đầu có thu nhập từ tỉa cành đào bán tết. Ra tết, tôi sẽ trồng thêm khoảng 30 gốc nữa. Năm nào cũng trồng thì mới giữ được cây đào, mới có cành đào bán” - anh Chía hồ hởi chia sẻ.

Không chỉ ươm trồng, việc khai thác đào ở Chiêu Ly cho hợp lý, bền vững cũng được chú trọng, đúc kết thành kinh nghiệm. Theo những người trồng đào nhiều năm ở bản, đào sẽ được khai thác luân phiên. Không phải cây nào cũng chặt cành đem bán mỗi năm, mà cứ cách khoảng 2 năm, thậm chí là 3, 4 năm mới chặt cành một lần. Một cây cũng chỉ chặt tỉa từ 1, 2 cành già, còn những cành non sẽ để chăm sóc tiếp. Tùy thuộc vào thế, độ tuổi và nhiều nụ hay không mà các cành đào có những mức giá khác nhau.

Tin vui ở Chiêu Ly là mỗi năm lại có thêm hộ dân trồng đào, thêm nhiều gốc đào rừng được trồng mới. Chiêu Ly đến nay đã có trên 10 hộ trồng đào rừng. Hộ ít thì 40 - 50 cây, hộ nhiều thì trồng 100 - 200 cây. Và mỗi dịp tết đến xuân về, những vườn đào rừng lại bung hoa rực rỡ trên bản vùng cao Chiêu Ly.

Ðức Huy
Bình luận
Back To Top