Lên Mường Nhé ngày xuân

17:33 - Thứ Ba, 02/02/2021 Lượt xem: 5054 In bài viết

ĐBP - Xuân về! Trời biên giới rét đậm. Sắc xuân đang ập vào mọi nhà trên đất trời Mường Nhé biên cương. Trong tiếng cười nói râm ran của những cô gái Hà Nhì đang tuổi xuân rực rỡ, bỗng có tiếng hát nhè nhẹ qua làn gió, hát về anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Thọ: “Anh ăn cơm nhạt trong mưa/ Còng lưng gùi hạt lúa giống”...

Ðội văn nghệ quần chúng biểu diễn tại lễ khai mạc tết Hồ Sự Chà - tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì. Ảnh: Mai Giáp

Tôi dừng lại ở dốc Tả Ko Khừ để nghe tiếng hát còn lắng đọng mãi trong tim của mỗi người dân vùng Sen Thượng, Sín Thầu, Chung Chải. Trần Văn Thọ - Anh vừa là người lính vừa là thầy giáo đã gieo chữ Bác Hồ cho các em nhỏ Hà Nhì vùng biên giới. Mà cô học trò nhỏ Chu Chà Me năm nào, đến nay đã thành bà nội, bà ngoại… Không kể hết được những chiến công của người lính. Chúng tôi lại vượt một đoạn đường dài gần 50km, về với người lính biên cương A Pa Chải, nơi tiền đồn cửa ngõ của ba nước Việt - Trung - Lào ở tận cùng phía Tây của Tổ quốc. Về cực Tây để được nghe hơi thở của đất mẹ biên cương mà bao nhiêu người ước vẫn chưa thực hiện được. Thiếu tá Lâm Dũng, Chính trị viên của Ðồn Biên phòng A Pa Chải ra tận cổng đồn đón chúng tôi. Xuân đã về nơi biên ải xa xôi, những cành đào trước cổng đồn vừa hé nụ, đung đưa trong gió chiều A Pa Chải.

Hình bóng các anh lính trẻ biên phòng trên chốt tiền tiêu, đứng canh đất trời trong đêm giá lạnh. Chúng tôi viết như thế nào để xứng với tình yêu đất nước của các anh. Trời về đêm càng lạnh, sương ùa vào từng đợt như sóng lạnh của đêm đông. Chúng tôi thấu hiểu sự hi sinh của những người lính gác trên chốt tiền tiêu, dõi mắt trong đêm để tìm bóng dáng kẻ xâm lấn biên cương Tổ quốc.

Với hơn 100km đường biên giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc, những kẻ chống đối, cực đoan thường lợi dụng nơi đây ẩn nấp, xúi giục các dân tộc mất đoàn kết, mất cảnh giác để chúng bày đặt các đạo này, đạo nọ. Những bước chân của người lính len lỏi về các bản làng tuyên truyền vận động người dân không nghe kẻ xấu. Những đôi mắt thức thâu đêm để canh trời Tổ quốc bình yên. Ðể nhà nhà được đón một mùa xuân êm ả. Một tiểu đội vũ khí gọn gàng, có mang theo thức ăn trong mấy ngày tết, tạm biệt chúng tôi: “Chúc các chú, các anh chị ở lại ăn tết với đồn, chúng em đi tuần tra biên giới”.

Chúng tôi cũng muốn đi cùng các chiến sĩ, ngủ lại trên chốt tiền tiêu để tận mắt, tận tai nghe được lời của sông núi đang hòa quyện với đất trời nơi vùng biên ải Mường Nhé xa xôi.  Chính trị viên Lâm Dũng ân cần bảo chúng tôi: Trên ấy gió lộng, rét lắm, các nhà báo không chịu được đâu, để sáng mai em đưa các bác đến cột mốc cây số không.

Lê Loan - nữ nhà báo trẻ nhất đoàn, đọc vội những vần thơ vừa sáng tác:

Mường Nhé ơi !

Một thoáng thôi, cũng đã nhớ nhiều

Tháng năm giá lạnh xứ mù sương

Heo may nỗi nhớ miền biên ải

Em gửi cho anh chùm hoa sữa…

Các chiến sĩ vỗ tay tán thưởng và rối rít gọi Thiếu tá Dũng: “Thơ của anh đấy, chị nhà báo tặng riêng cho anh mà, anh nhận đi”! Chính trị viên Lâm Dũng vội thanh minh:

- Thơ tặng cho cả tập thể đồn mà! Thôi tán dóc vừa thôi, các đồng chí lên đường kẻo muộn.

Về đêm, A Pa Chải trời càng lạnh, tiễn các chiến sĩ một đoạn đường. Sự bình yên của ngày tết có chiến công thầm lặng của những người chiến sĩ tiền tiêu. Lòng tự hào xen lẫn niền vui, khi biết Lâm Dũng một chính trị viên trẻ, một mẫu hình của sĩ quan quân đội tận tụy. Anh quê ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), nhưng xây dựng gia đình với một cô giáo người Hà Nội. Sự ẩn ý trong thơ của tác giả đầy tình đầy nghĩa động viên người chiến sĩ ở biên cương.

Tạm biệt những cán bộ chiến sĩ Ðồn A Pa Chải anh hùng, ra về mang bao nỗi nhớ.

Một thoáng thôi cũng đã nhớ nhiều.. Một thoáng thôi nhưng để lại bao nhiêu kỉ niệm với người lính, kỉ niệm của những ngày giá rét đêm đông, những ngày giáp tết. Bịn rịn, đoàn chúng tôi rời A Pa Chải, có hình bóng các anh in đậm từng bước chân lên chốt tiền tiêu của Tổ quốc.

Mường Nhé có nhiều cái “nhất” về cấp huyện như: Rộng nhất, dân thưa nhất, diện tích rừng rộng nhất (157.372ha), có hai đường biên giới dài gần 132km, là huyện xa nhất tỉnh (đỉnh Tả Ló San, xã Sen Thượng cách TP. Ðiện Biên Phủ 270km) và là huyện nghèo nhất với 58% hộ nghèo. Cả một tập thể Ðảng bộ huyện lo toan và trăn trở để giảm được nhiều cái “nhất” không mong muốn cần sự phấn đấu góp công sức của 2.389 đảng viên. Mà Nghị quyết Ðảng bộ huyện đã đề ra: Phấn đấu từng bước xây dựng huyện Mường Nhé trở thành điểm sáng về chính trị, kinh tế văn hóa xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia... Ðồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng tóm tắt những ý chính quan trọng trong Nghị quyết đại hội 5 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Ðảng bộ huyện Mường Nhé. Các ngành Công an, Quân đội là lực lượng tham mưu đắc lực cho Ðảng bộ, chính quyền để đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Mường Nhé đang tạo đà, tạo sức vươn lên, bộ mặt của huyện nơi vùng biên ải đang hội nhập và phát triển cùng cả nước. Các nhà doanh nghiệp trẻ đã bám trụ miền biên viễn Mường Nhé, nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành trong gian khó.

Ngày đầu xuân được gặp doanh nghiệp trẻ Sơn Nhị, vào Mường Nhé lập nghiệp sau 4 năm thành lập huyện. Từ một cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở Vĩnh Phúc cùng gia đình lên Mường Nhé lập nghiệp. Tuy con số doanh thu còn rất khiêm tốn, các công trình xây dựng còn nhỏ lẻ nhưng với chữ tâm, chữ tín doanh nghiệp của anh đã chiếm được lòng tin của khách hàng, nhiều hạng mục xây lắp như trụ sở ủy ban các xã, trường lớp mẫu giáo, kè cống, sạt lở, đường dân sinh về bản, xã được hoàn thành; góp phần xây dựng một thị trấn vùng biên khang trang hơn.

Hồng Hải
Bình luận
Back To Top