Xứng đáng niềm tin “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”

09:20 - Thứ Năm, 04/03/2021 Lượt xem: 5291 In bài viết

ĐBP - Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1.981 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ đã có cuộc trao đổi với bà Ðỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về việc quan tâm chăm lo các tầng lớp hội viên, phụ nữ tỉnh thời gian qua.

Bà Ðỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao tặng quà cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở bản Ðích, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: C.T.V

Phóng viên (P.V): Những năm qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã luôn nỗ lực làm tốt vai trò chức năng nhiệm vụ của mình đối với các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn. Xin bà nhận định một cách khái quát nhất về kết quả trên?

Bà Ðỗ Thị Thu Thủy: Hiện nay trên địa bàn tỉnh 100% xã đã thu hút trên 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội LHPN. Tổng số hội viên toàn tỉnh là 117.065/151.635 phụ nữ 18 tuổi trở lên (đạt tỉ lệ thu hút 77,2%).

Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức Hội; xây dựng nhiều mô hình, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua, từ đó thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội; tăng cường tính tự nguyện, tự giác, tự quản của hội viên trong tham gia hoạt động Hội. Thông qua hoạt động của Hội các cấp đã đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ. Ðời sống về vật chất, tinh thần của chị em không ngừng được nâng lên; vai trò, vị thế của hội viên, phụ nữ trong gia đình, cộng đồng xã hội cũng không ngừng được cải thiện. Số lượng chị em, phụ nữ tham gia đảm nhiệm các vị trí quan trọng ngày một tăng lên. Có thể nói, chị em phụ nữ đã phát huy tốt truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng xã hội...

 P.V: Hội sẽ làm gì để có thể quan tâm, chăm lo, hỗ trợ mọi đối tượng hội viên, phụ nữ được tốt hơn nữa trong thời gian tới, thưa bà?

Bà Ðỗ Thị Thu Thủy: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả nhất định; song thực tế Ðiện Biên vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn; hội viên, phụ nữ thuộc nhiều thành phần dân tộc; mặt bằng điều kiện sống, nhận thức, kỹ năng chưa đồng đều... Ðể chăm lo, hỗ trợ tốt hơn nữa mọi đối tượng hội viên, phụ nữ; thời gian tới, với từng cấp, Hội LHPN sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ của tỉnh và của Hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động hội phù hợp với nhiệm vụ được giao. Chú trọng phát triển hội viên, từ việc phát triển hội viên mới, quản lý hội viên đến việc nâng cao chất lượng hội viên và bảo vệ, chăm lo lợi ích chính đáng của hội viên.

Tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc; tích cực hướng hoạt động về cơ sở; chú trọng đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản ánh của hội viên, phụ nữ; khuyến khích hội viên, phụ nữ nỗ lực vượt khó khăn; phát huy nội lực, thế mạnh để phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gia đình hạnh phúc.

Song song với đó, Hội nỗ lực nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương của Ðảng chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động phụ nữ phát triển KT - XH; chủ động tham mưu giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài, những vấn đề mới phát sinh…góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Gần nhất, Hội LHPN sẽ tổ chức đợt thi đua đặc biệt, lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu phụ nữ các cấp, chào mừng bầu cử ÐBQH và HÐND các cấp. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc; phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong toàn cấp Hội...

P.V: Thực hiện các nội dung trên có thuận lợi, khó khăn gì, thưa bà? 

Bà Ðỗ Thị Thu Thủy: Thời gian qua, Hội LHPN luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của Tỉnh ủy, HÐND, sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Các chương trình, Ðề án phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN của tỉnh đạt nhiều kết quả tốt đẹp; cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo; khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo trong thực hiện các chương trình, nội dung hoạt động do Hội các cấp tổ chức... Ðây là những thuận lợi để tổ chức Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, gần đây thời tiết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình di cư tự do, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, tệ nạn xã hội... đã ảnh hưởng lớn tới đời sống và tinh thần của hội viên, phụ nữ. Ðịnh kiến về giới (nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số) đang là rào cản lớn cho sự phát triển của phụ nữ, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của tỉnh, cũng như của Hội còn nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất, trồng trọt... chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông ở nhiều cơ sở đặc biệt khó khăn, nên việc tiếp cận tri thức mới; phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ còn nhiều bất cập. Một số hủ tục (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...) trong đời sống hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể một sớm một chiều được đẩy lùi. Thực tế này đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, mong muốn vươn lên, tham gia các hoạt động xã hội của chị em phụ nữ.

Mong rằng, thời gian tới Trung ương Hội, Ðảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa; có những văn bản chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời để Hội LHPN tỉnh cụ thể hóa, thể chế hóa thành những chương trình hành động, vừa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, vừa phù hợp với đặc điểm miền vùng và đặc thù riêng biệt của tổ chức Hội. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ trọng yếu là bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực là hội viên phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực huy động, xã hội hóa các nguồn kinh phí; mạnh dạn cắt bỏ những khâu trung gian để kinh phí nhanh nhất, đầy đủ và kịp thời nhất đến với hội viên cần có sự giúp đỡ.

PV: Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1.981 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bà có chia sẻ gì với toàn thể hội viên, phụ nữ trong tỉnh?

Bà Ðỗ Thị Thu Thủy: Tôi mong các cấp hội, hội viên, phụ nữ trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; đoàn kết, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động; thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, nhiệm vụ, đưa phong trào hội ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển KT - XH của tỉnh; xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Ðảm đang”.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mai Thủy (thực hiện)
Bình luận
Back To Top