Cần thay đổi để hiệu quả hơn

09:01 - Thứ Năm, 25/03/2021 Lượt xem: 5623 In bài viết

ĐBP - Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam chiếm 11,41%; số hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chiếm 10,79% và số hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình chỉ chiếm 0,62%... Ðó là những con số “báo động” về tình hình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh ta. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng cơ bản vẫn là do công tác quản lý, vận hành còn hạn chế, bất cập. Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thời gian tới các cấp, các ngành cần phải có sự thay đổi, đặc biệt trong công tác quản lý, vận hành các công trình nước sinh hoạt.

Công trình nước sinh hoạt bản Háng Lìa B, xã Háng Lìa (huyện Ðiện Biên Ðông).

Tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 1.036 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, cộng đồng quản lý 1.013 công trình; hợp tác xã quản lý 1 công trình; doanh nghiệp quản lý 13 công trình và mô hình quản lý khác 9 công trình. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, so với các địa phương khác, tỉnh ta có số lượng công trình nước sinh hoạt tập trung rất lớn, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao; nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả, dẫn đến các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, nhất là vào mùa khô.

Tủa Chùa là huyện đứng đầu toàn tỉnh về mức độ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, hiện nay toàn huyện có 114 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, có 99 công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững; 15 công trình kém bền vững và không hoạt động. Theo đó, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung chiếm 58,87%; tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình chỉ đạt 18,7% và tổng số người dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước kém bền vững, không hoạt động là 2.441 người.

Nguyên nhân chính là do các công trình đã được đầu tư từ lâu, xuống cấp, không phát huy công năng sử dụng; nhiều công trình có tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá và cách xa khu dân cư nên khó khăn cho công tác vận hành, bảo quản. Cùng với đó, do thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên dẫn đến công trình hư hỏng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác công trình sau đầu tư xây dựng của một số xã, bản và một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến hư hỏng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ðiển hình, công trình nước sinh hoạt nông thôn bản Háng Khúa, xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) được đầu tư năm 2006, cấp nước cho 183 hộ dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm hư hỏng đầu mối, tuyến ống dẫn nước, đến nay công tác duy tu, sửa chữa không kịp thời, vì vậy công trình không phát huy được hiệu quả sử dụng.

Tình trạng thiếu nước, nhiều công trình xuống cấp, không hoạt động như huyện Tủa Chùa đang là tình trạng chung trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trong tổng số 1.036 công trình cấp nước tập trung trên toàn tỉnh thì chỉ có 36 công trình hoạt động bền vững; 510 công trình hoạt động tương đối bền vững; 298 công trình hoạt động kém bền vững và 192 công trình không hoạt động. Theo đó, tổng công suất theo thiết kế các công trình cho 101.962 hộ, đấu nối sử dụng; tuy nhiên, công suất sử dụng thực tế chỉ có 66.673 hộ và tỷ lệ đấu nối đạt 65,39%. Vì vậy, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch còn thấp. Cụ thể, số hộ dân nông thôn được điều tra, rà soát đánh giá của toàn tỉnh là 114.507 hộ, với 566.298 người. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84,92%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt 51,26%; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình 33,66%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung 10,79%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình 0,62%. Ðặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh 88,83% và hộ nghèo sử dụng nước sạch chỉ chiếm 2,09%.

Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Hoàng Văn Tịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Hiện nay, 100% các công trình nước sinh hoạt nông thôn đều là công trình cấp nước bằng hình thức tự chảy; trong khi đó, quy mô công trình nhỏ, công nghệ đơn giản. Ða số công trình cấp nước bằng bể chứa cho khu vực dân cư và giao cho cộng đồng quản lý nên rất khó khăn cho công tác điều tra thu thập số liệu. Bên cạnh đó, kinh phí để xét nghiệm tất cả các mẫu nước từ các công trình cấp nước tự chảy còn hạn chế; trong khi kinh phí hỗ trợ cho việc điều tra, thu thập và tổng hợp số liệu thấp không đủ hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tiến hành điều tra, rà soát chi tiết đến từng hộ dân. Ðặc biệt, tại các xã, bản vùng cao, sau khi các công trình đầu tư và bàn giao về cho địa phương quản lý thì gần như công tác quản lý, bảo vệ, duy tu, sửa chữa chưa được các xã, bản, người dân quan tâm thực hiện.

Cũng theo ông Tịnh, để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, cũng như tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nước sạch, đã đến lúc cần có sự thay đổi từ việc đầu tư xây dựng các công trình đến công tác quản lý, vận hành. Theo đó, thay vì cấp nước phục vụ người dân, UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn và chuyển dần từ xu hướng cấp nước phục vụ người dân sang định hướng dịch vụ đối với các vùng, khu vực có điều kiện thuận lợi để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn, nâng cao chất lượng nước, đảm bảo công trình được phát huy hiệu quả, ổn định lâu dài. Phân cấp công trình để giao các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý vận hành công trình có trách nhiệm. Ðối với đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cần tập trung nâng cấp sửa chữa để tiếp tục sử dụng; đối với công trình xây mới cần đầu tư theo thiết kế mẫu và cấp nước tới từng hộ, có hệ thống xử lý chất lượng nước đảm bảo theo quy chuẩn nước ăn uống QCVN số 02/2009 BYT ban hành. Ðồng thời, cần phải có đơn vị quản lý vận hành công trình và có sự cam kết đấu nối và trả tiền nước của người dân trước khi đầu tư xây dựng công trình. Cùng với đó, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về phân cấp quản lý công trình, giá nước sinh hoạt nông thôn cho khu vực miền núi theo mô hình bể trữ nước cấp cho cộng đồng, giải pháp thanh lý đối với các công trình bị hỏng không hoạt động do hết thời gian sử dụng (sau thanh lý có phương án cấp nước lại cho các địa phương có công trình bị hỏng).

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top