Nan giải tình trạng tự tử bằng lá ngón ở Điện Biên Đông

10:22 - Chủ Nhật, 11/04/2021 Lượt xem: 6599 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, tình trạng tự tử bằng lá ngón đã trở thành vấn nạn nhức nhối ở Điện Biên Đông. Mỗi năm có hàng chục ca tử vong do tự tử bằng lá ngón. Mặc dù các cấp chính quyền huyện Điện Biên Đông đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm...

Cán bộ Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Điện Biên Đông truyền thông nhằm giảm thiểu tình trạng tự tử bằng lá ngón cho người dân bản Cang A, xã Chiềng Sơ.

Điện Biên Đông là huyện vùng cao với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, tại địa bàn còn tình trạng mỗi khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, một số người dân tìm ăn lá ngón để tự tử. Thống kê từ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cho thấy, từ năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra gần 240 vụ tự tử bằng lá ngón khiến 47 người tử vong. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, toàn huyện đã có 26 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó 3 trường hợp tử vong. Tình trạng tự tử bằng lá ngón xảy ra ở gần như tất cả các xã trên địa bàn, song tập trung chủ yếu ở các xã: Phì Nhừ, Xa Dung, Keo Lôm, Phình Giàng, Pú Hồng, Noong U. Trong đó, hầu hết các trường hợp ăn lá ngón tự tử là người Mông, Thái với độ tuổi từ 10 - 20 tuổi; lứa tuổi chưa ổn định về tâm sinh lý, có những hành động, suy nghĩ bồng bột, hiểu biết về cuộc sống còn hạn chế.

Nguyên nhân khiến các nạn nhân tìm đến lá ngón hết sức đơn giản, như: Vợ chồng cãi nhau, giận dỗi bố mẹ, cãi nhau với người yêu, bố mẹ bắt đi học, không cho yêu đương, không cho tiền mua điện thoại... Điển hình như trường hợp của em Sùng Thị I. (sinh năm 2005), bản Từ Xa, xã Keo Lôm, mặc dù đang học cấp 3 nhưng do giận dỗi, cãi nhau với người yêu nên đã vào rừng ăn lá ngón tự tử. Hay trường hợp mới đây nhất xảy ra vào giữa tháng 3 vừa qua là của em Vàng Thị G. (sinh năm 2004), bản Suối Lư 4, xã Keo Lôm chỉ vì “lời qua tiếng lại” với chồng nên cũng tự tử bằng lá ngón. May mắn cả 2 trường hợp trên đều được người thân, bạn bè phát hiện kịp thời và đưa đến Trung tâm Y tế huyện cứu chữa nên đã giữ lại được mạng sống.

Trước tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên Đông đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân; phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền về tác hại của lá ngón, nâng cao nhận thức, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu của người dân; tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn về kỹ năng sống, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, xử lý các mâu thuẫn để tránh nảy sinh suy nghĩ tự tử bằng lá ngón... Tuy nhiên, hàng năm số vụ tự tử bằng lá ngón vẫn chưa có dấu hiệu giảm, vẫn còn hàng chục trường hợp tử vong bằng lá ngón.

Ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Tự tử bằng lá ngón đang là vấn nạn nhức nhối, bài toán nan giải của huyện. Mặc cho nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi được nhận thức, tư tưởng xem nhẹ mạng sống của một bộ phận người dân tộc trên địa bàn huyện. Đây là bài toán không thể giải quyết trong “ngày một ngày hai” mà đòi hỏi phải có sự kiên trì, quyết tâm cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng nhiều giải pháp thiết thực nhằm từng bước nâng cao nhận thức, hạn chế tình trạng tử tự bằng lá ngón trong đồng bào dân tộc.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top