Góc nhìn - Tiêu điểm

Bán lúa non

10:11 - Thứ Bảy, 15/05/2021 Lượt xem: 4656 In bài viết

ĐBP - Một phụ nữ dân tộc Thái đến nhà bố mẹ tôi đề nghị bán lúa non cho ông bà. Bố mẹ tôi không lạ lẫm gì những chuyện như thế này. Ông bà ân cần hỏi thăm tình hình gia đình chị. Khó khăn lắm sao? Chỉ hơn tuần nữa là gặt lúa rồi mà! Không cố đợi được à?

Chị nói rằng gạo thì nhà chị hết từ nửa tháng rồi, đợi thêm một tuần thì đi vay trong bản cũng được. Nhưng chị đang cần một khoản tiền để sửa mái nhà bị dột, thời tiết thì mưa dông bất thường. Phải sửa thôi, thì mới ở được!

Trước đây, thời anh em tôi còn đi học, bố mẹ tôi có chăn nuôi lợn, gà để kiếm thêm thu nhập chi phí học hành cho các con. Kỳ giáp hạt ông bà vẫn mua giúp lúa non cho bà con nông dân gần khu tập thể giáo viên. Đến vụ gặt họ chở thóc đến cho người mua. Mẹ tôi mua để làm thức ăn cho lợn, gà. Nhiều cô, bác giáo viên trong khu cũng làm thế. Phải chăn nuôi để có thêm tiền trang trải cho gia đình. Nông dân nhiều hộ khó khăn nên bán lúa non rất nhiều!

Lâu rồi, bố mẹ tôi không mua lúa non nữa. Từ ngày anh em tôi học xong, đi làm thì ông bà cũng không còn vất vả nuôi lợn, chỉ nuôi vài con gà mái đẻ lấy trứng cho cháu nội. Thực phẩm sạch mà!

Hỏi người phụ nữ thì được biết trong bản chị vẫn còn nhiều hộ phải bán lúa non. Có những hộ trong nhà không còn gì ăn!

Tôi cảm thấy lạ lùng. Bản chị phụ nữ kia sinh sống nhìn từ ngoài diện mạo rất khang trang. Đường bê tông nông thôn mới đến từng nhà. Có nhiều nhà xây, mái tôn. Có xe máy đắt tiền. Có nhiều đám tiệc với nhạc xập xình cả ngày. Bản được công nhận danh hiệu Bản văn hóa. Thế mà lại có nhiều hộ thiếu đói sao?

Tôi đã trao đổi với trưởng bản và biết phía sau diện mạo đẹp đẽ là một khu dân cư còn nhiều khó khăn, vẫn còn hộ nghèo và hộ thiếu đói. Nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới nên có đường trục, đường ngõ được bê tông sạch sẽ. Nhiều hộ nghèo bám mặt đường bán được đất nên có tiền làm nhà, mua sắm xe máy, vật dụng sinh hoạt. Nhưng chỉ số ít là thực sự tận dụng được 2 điều kiện thuận lợi đó để vươn lên. Có hộ ngoài cái vỏ nhà xây thì chẳng còn gì: Đất bán hết, tiền tiêu hết, không việc làm ổn định. Còn đối với những hộ “nghèo truyền thống”, họ không có đất để bán hoặc trong góc cùng, ngõ hẻm nên chẳng ai mua. Đáng nói là hộ thì con cái tật nguyền, hộ thì chồng con nghiện ma túy, có trường hợp nhà thiếu ăn nhưng bữa nào ông chồng cũng phải có nửa chai rượu. Những người phụ nữ trở thành trụ cột nhưng nguồn thu cũng chỉ trông chờ vào mảnh ruộng. Tài sản không có gì nên bán lúa non!

Nghèo khó phải bán lúa non để sửa mái nhà như người phụ nữ kia thì ít lắm! Nhiều trường hợp bán vì thiếu đói, vì tiêu xài mua sắm nợ nần, vì vướng vào ma túy, vì không có việc làm!

Có giải quyết được vấn đề này không? Có thể. Nhưng cần giải pháp và thời gian, không thể một sớm một chiều. Vấn đề cốt lõi là phải can đảm. Can đảm để nhìn thẳng vào sự thật, bắt đúng “bệnh” để “kê đơn thuốc”. Can đảm để không háo danh, thành tích với các danh hiệu này, kia... Bởi phía sau danh hiệu lung linh vẫn còn nhiều khoảng tối.

Duy Bình
Bình luận
Back To Top