Nêu cao trách nhiệm với xã hội

07:39 - Thứ Năm, 17/06/2021 Lượt xem: 4098 In bài viết

ĐBP - Trong bức thư gửi trí thức Nam bộ năm 1947, trong đó có cả các nhà báo, Bác Hồ viết “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Lời nói sâu sắc của Bác nhắc nhở mỗi nhà báo trong sự nghiệp làm báo phải ý thức được trách nhiệm của mình. Ngoài bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải, nhà báo còn phải biết phân định lên án cái xấu, cái ác, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống xã hội chuyển đổi mạnh mẽ như hiện nay, trách nhiệm xã hội của người làm báo càng cần nêu cao hơn hết.

Các nhà báo tác nghiệp tại điểm cách ly tập trung Trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ). Ảnh: Quang Hưng

Mỗi tác phẩm báo chí đến với bạn đọc đều chứa đựng một thông điệp, có tác động xã hội rộng lớn. Mỗi bài báo có thể mang lại hiệu ứng tích cực, lay động tâm tư, tình cảm và định hướng hành động cho độc giả, hoặc cũng có thể làm suy giảm lòng tin, sai lệch nhận thức dẫn đến lệch lạc về hành động của một người, nhóm người hoặc ở phạm vi rộng hơn. Tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Bác Hồ căn dặn rằng “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Lời dặn của Bác nhấn mạnh tới sự tác động của báo chí và cũng dạy ta về cách làm, cái tâm, cái tầm, nhất là trách nhiệm của những người cầm bút. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những người làm báo Điện Biên đã phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm xã hội qua mỗi sản phẩm báo chí của mình, tạo diễn đàn phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền đấu tranh, phản bác các hành vi tiêu cực, tai tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, các chương trình, các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang triển khai đều được các nhà báo đi sâu ghi nhận, phản ánh bằng các bài viết sắc sảo trên cả ấn phẩm báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh.

2021 là năm Điện Biên tiếp tục chuyển mình với nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội đang được gấp rút, đẩy nhanh tiến độ. Một trong những dự án trọng điểm của tỉnh hiện nay là Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên được sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và quan tâm theo dõi của người dân TP. Điện Biên Phủ, nhất là những hộ nằm trong vùng dự án. Với góc nhìn đa chiều của người làm báo, thời gian qua phóng viên Báo Điện Biên Phủ đã có nhiều bài viết sâu phản ánh đa chiều các khía cạnh của dự án. Từ chủ trương đến những thuận lợi, khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động, những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tâm tư nguyện vọng của những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng tới sự đồng thuận, sẵn sàng di dời, nhường đất xây dựng sân bay của người dân…

Để làm tốt vai trò, trách nhiệm của một nhà báo đòi hỏi người viết không chỉ có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp mà còn phải có lòng yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ, không quản hiểm nguy, sẵn sàng đi vào những “điểm nóng” hoặc lên đường tác nghiệp bất cứ lúc nào. Là tỉnh nghèo, địa bàn rộng, đi lại còn nhiều khó khăn nên việc tác nghiệp của các nhà báo Điện Biên vất vả, khó khăn hơn so với đồng nghiệp ở các tỉnh miền xuôi rất nhiều. Nhất là vào những tháng cao điểm mùa mưa. Có huyện cách xa trung tâm thành phố cả trăm ki lô mét như Nậm Pồ hay Mường Nhé vào những ngày mưa gió có khi phải đi ròng rã ngót cả ngày đường. Còn từ trung tâm những huyện này để vào tới một số xã phải đi tiếp vài chục cây số nữa. Gần một năm trôi qua, người dân bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) vẫn chưa quên trận lũ quét lịch sử ập đến sáng sớm ngày 17/8/2020. Nhận tin báo từ cơ sở, các nhà báo đã khẩn trương vào vùng lũ dù đường xa, trời mưa to, nguy cơ sạt lở cao, điều kiện tác nghiệp hết sức khó khăn nhưng không quản hiểm nguy các phóng viên đã có mặt kịp thời quay những thước phim, chụp những hình ảnh về trận lũ quét để truyền tải nhanh chóng kịp thời tới người dân.

Hơn một năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên các phóng viên nhà báo cũng có sự thay đổi về điều kiện, cách tác nghiệp. Trong khi không ít ngành nghề tạm thời ngưng trệ thì nhiều phóng viên dường như phải làm việc với cường độ cao hơn bình thường. Cùng với lực lượng y tế và các ngành chức năng ở tuyến đầu chống dịch, vừa qua phóng viên của Báo Điện Biên Phủ đã có những ngày công tác tại tâm dịch Nậm Pồ kịp thời cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh. Ngoài việc chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm của dịch bệnh, họ còn phải chịu những áp lực để thu thập thông tin nhanh, chuẩn xác, có những hình ảnh, góc quay chân thực, độc đáo cho bài viết của mình. Các tin, bài ảnh, những thước phim sống động được ghi lại một mặt góp phần thu hút sự quan tâm của người dân, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, mặt khác đẩy lùi những thông tin chưa chính xác, tin giả còn gây hoang mang dư luận.

Phạm Quang - phóng viên chuyên mảng truyền hình internet của Phòng Báo Điện tử (Báo Điện Biên Phủ) là một trong những người “nằm vùng” tác nghiệp ở các điểm cách ly tập trung tại tâm dịch Nậm Pồ những ngày qua. Anh chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ tại vùng dịch, dù biết nguy hiểm nhưng đó là sứ mệnh của người làm báo nên thôi thúc chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Những bài viết, những khung hình, hình ảnh phản ánh chân thực nhất để độc giả thấy được và sẻ chia với những khó khăn, vất vả thiếu thốn về cơ sở vật chất, hay tâm tư cuộc sống sinh hoạt của những người dân đang thực hiện cách ly tập trung nơi đây. Đi tác nghiệp cùng lực lượng chống dịch tuyến đầu mới thấy những vất vả không sao kể xiết khiến chúng tôi càng thêm sẻ chia và ý thức được hơn trách nhiệm của người làm công tác tuyên truyền. Dù thời tiết nóng bức, vào các khu cách ly tập trung phải mặc đồ bảo hộ và vác theo máy quay rất mệt nhưng ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành đảm bảo an toàn phòng dịch khi tác nghiệp. Thương nhất là có nhiều cháu nhỏ thuộc diện F1 phải vào thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định tại điểm cách ly Trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong, Trường PTDTBT Tiểu học xã Si Pa Phìn nhưng các cháu vẫn ngoan, đeo khẩu trang đầy đủ… khiến chúng tôi không khỏi xúc động. 1 tuần công tác trong vùng tâm dịch, tôi tranh thủ tối đa thời gian, ngày đi thu thập thông tin và ghi hình ảnh, tối về viết bài. Có đêm vác máy quay cùng lực lượng chống dịch đi truy vết rồi về lại tiếp tục dựng hình, đến khi hoàn thành bài viết chuyển về tòa soạn thì trời cũng tờ mờ sáng.

Nhà báo Minh Giang, công tác tại Phòng Chuyên đề - Văn nghệ và Giải trí (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh) là người đã thực hiện nhiều phóng sự về vấn đề bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tâm sự: Tôi nghĩ rằng bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương mà đó còn là trách nhiệm của người làm công tác tuyên truyền nói chung và mỗi nhà báo nói riêng. Trong những chuyến công tác thực hiện bài viết về văn hóa các dân tộc thiểu số ít người, chúng tôi rất đau đáu, trăn trở khi thấy trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, đồng hóa dần. Vì vậy, chúng tôi mong rằng mỗi bài viết của mình sẽ là cầu nối để truyền tải các giá trị văn hóa rộng rãi; giới thiệu có chiều sâu về những nét đẹp, đặc trưng trong đời sống văn hóa của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Mỗi bài viết chất lượng, có nội dung sâu sắc, hình ảnh đẹp sẽ giúp người dân có ý thức về vấn đề bảo tồn và khơi dậy tình yêu với giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình.

Khắc ghi lời dặn của Bác Hồ, các nhà báo Điện Biên đã nỗ lực cho ra những tác phẩm báo chí có hiệu ứng định hướng dư luận tốt, để từng bài viết không chỉ là cung cấp thông tin tới độc giả mà còn đủ sức mạnh chạm tới sự rung cảm trong trái tim mỗi người. Thực hiện tốt trách nhiệm của người làm báo với xã hội đó cũng chính là sợi dây cột chặt hơn niềm tin, thêm lòng tin yêu của bạn đọc đối với tờ báo và mỗi người làm báo Điện Biên.

Bình Nguyên
Bình luận
Back To Top