“Hơi thở cuộc sống” vùng cao

07:42 - Thứ Năm, 17/06/2021 Lượt xem: 2678 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là một trong những địa bàn hẻo lánh nhất cả nước, là vùng đất cực Tây Tổ quốc, đường biên giới cũng thuộc diện dài nhất Việt Nam với trên 450km, giáp 2 nước: Lào, Trung Quốc. Từ đầu tỉnh, tức đèo Pha Đin thuộc địa phận xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) đến điểm cuối là mốc số 0, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) là quãng đường 400km với đèo cao, vực sâu... Đó là chặng đường đã quen thuộc với người làm báo Điện Biên - Những “cánh én” với trách nhiệm mang hơi thở cuộc sống vùng cao về trang báo.

Hiện nay, Báo Điện Biên Phủ đang thực hiện mô hình phân công địa bàn và luân chuyển theo “nhiệm kỳ” phụ trách, với mỗi huyện, thị, thành phố ít nhất có 1 phóng viên phụ trách thông tin, tuyên truyền, cập nhật các diễn biến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ban Biên tập Báo cũng ban hành quy chế về nắm bắt thông tin địa bàn đối với phóng viên, đảm bảo không để lọt, sót thông tin, đặc biệt là những vấn đề về thiên tai, địch họa, dịch bệnh. Ngoài ra, với những địa bàn xa, có 2 phóng viên được giao phụ trách như các huyện: Mường Nhé, Tủa Chùa... hàng tháng, phóng viên sẽ chia nhau “thường trực” để đảm bảo việc cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục.

Đối với bất kỳ người làm báo nào, để bài viết có chất lượng tốt, cần sâu sát thực tế, chịu khó đi cơ sở, trong khi tỉnh ta còn nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông ở các thôn bản vùng cao, biên giới. Đã có phóng viên của Báo Điện Biên Phủ đặt mục tiêu cụ thể là: Trong thời gian 5 năm, phấn đấu đến tất cả 129 xã, phường, thị trấn; đến 70% số thôn, bản trên toàn tỉnh. Và thực tế, phóng viên đó đã hoàn thành mục tiêu, với thống kê sơ sơ tổng quãng đường đã đi trên 200.000km. Quãng đường dài đến mức công tơ mét xe máy “lộn đi lộn lại” vài lần đến khi... hỏng hẳn. Tất nhiên, việc đặt, đạt mục tiêu đó không phải để lấy thành tích, vì kể cả có những chuyến đi có vẻ “tay trắng” khi không thực hiện được bài viết ngay nhưng đó là “vốn”, là “lương khô” để phóng viên nắm vững địa bàn, thực hiện bài viết mang tầm bao quát và chi tiết mọi ngõ ngách của cuộc sống nhân dân trong tỉnh. Và thực tế cho thấy, với nỗ lực của bản thân, số “vốn” tích lũy sau những chuyến đi dài, phóng viên đó đã thực hiện được những bài viết có chất lượng, mang “hơi thở của cuộc sống” từ cơ sở... một cách không mấy khó khăn.

Nếu so với thế hệ làm báo hôm nay với những bậc tiền bối năm xưa, những cây viết “lão làng” đã gắn bó với nghề hàng nửa thế kỷ thì có vẻ khập khiễng. Bởi giai đoạn trước đây, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh ta còn gian khó, hạ tầng công nghệ, thông tin thiếu thốn... thì những khó khăn phóng viên hiện nay của Báo trải qua trên quãng đường về cơ sở có vẻ “chẳng thấm vào đâu”. Tuy nhiên, nói về việc đi cơ sở của người làm báo tại Điện Biên hiện nay nói chung, Báo Điện Biên Phủ nói riêng cũng có nhiều chuyện để kể, để nhớ, để tích lũy. Trong đó, cũng giống như cuộc sống này, có vui, có buồn, thậm chí là nguy hiểm hay thất vọng... Như đã nói, địa phận Điện Biên trải dài và hẻo lánh, còn nhiều thôn, bản chưa được đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi. Thậm chí, cách đây vài năm, còn một số bản chỉ có đường mòn rộng chưa đầy nửa mét, chủ yếu phải đi bộ. Cụ thể như các bản: Đán Đanh, Púng Chạng thuộc xã Mường Tùng, muốn vào bản phải đi bộ 6 - 7 giờ dọc theo suối hoặc rẽ rừng để đi, bản Pa Ít của xã Huổi Mí (cùng thuộc huyện Mường Chà) hay “đỉnh đầu” cực Bắc của tỉnh là Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé) đều có điều kiện giao thông đặc biệt khó khăn, hiểm trở. Tuy nhiên, dấu chân của những người làm báo Điện Biên đã in tại những nơi này không chỉ 1 lần. Và sau mỗi chuyến đi, những tiếng nói, lời đề nghị của đồng bào những nơi xa thẳm này lại được truyền tải lên từng trang báo, lời kêu gọi đầu tư được quan tâm, hưởng ứng và triển khai...

Nói như vậy không có nghĩa là người làm báo Điện Biên chỉ có việc “than nghèo, kể khổ”, đã có rất nhiều bài viết về những tấm gương vùng cao, từ giản dị nhẹ nhàng về một cán bộ cơ sở cần mẫn, cho đến những người hùng, người thủ lĩnh vang danh vùng cực Tây. Rồi nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc anh em trong tỉnh và những người gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, những danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển du lịch... thường xuyên được thực hiện, đăng tải; những câu chuyện làng, chuyện bản được đưa vào chuyên mục trên báo in Báo Điện Biên Phủ. Đặc biệt, cùng với chủ trương của Tỉnh ủy, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và cả nhận thức, tâm huyết, tấm lòng của người làm báo Điện Biên, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, mô hình tốt - cách làm hay luôn được quan tâm, thông tin, phản ánh thường xuyên trên các trang báo Điện Biên Phủ. Những phương án, dự án của cả Nhà nước và cá nhân triển khai được ủng hộ khi phù hợp, khả thi, hiệu quả; ngược lại, nếu những chương trình dự án đó chậm trễ, không phù hợp với lợi ích của nhân dân... Báo sẵn sàng phản ánh, tham mưu hoặc phản biện. Từ các trang báo, những sản phẩm đặc trưng, ngon, sạch của nhân dân trên địa bàn được giới thiệu, quảng bá, chia sẻ rộng rãi đến người tiêu dùng cả nước... 

Mang hơi thở cuộc sống nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên lên trang báo còn được thể hiện với các nội dung tuyên truyền đậm nét trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng như: Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ... Hay từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh ta xuất hiện những ca bệnh, cả hệ thống chính trị tỉnh vào cuộc phòng, chống dịch. Những người làm báo Điện Biên xác định trách nhiệm là những người lính tiên phong trên mặt trận thông tin tuyên truyền trong cuộc chiến chống Covid-19 với những tin bài được cập nhật từng ngày, từng giờ. Cùng với đó là những câu chuyện cảm động về tình người, sự đoàn kết, chung tay của nhân dân trong phòng chống dịch.

Trong xu thế bùng nổ thông tin, đặc biệt là sự phát triển của internet và mạng xã hội hiện nay, yêu cầu đối với người làm báo ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng nâng cao nghiệp vụ, tự đổi mới bản thân để làm tốt nhiệm vụ của mình. Người làm báo Đảng Điện Biên luôn xác định phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần xung kích, đi sâu đi sát thực tế tạo nên những tác phẩm báo chí mang đậm “hơi thở cuộc sống”, phản ánh đúng chủ trương, chính sách cũng như góp phần tham mưu, kiến nghị để Đảng và Nhà nước tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi đưa vùng đất Điện Biên hội nhập và phát triển.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top