Mùa thiếu nước sinh hoạt ở vùng cao

07:56 - Thứ Năm, 17/06/2021 Lượt xem: 4066 In bài viết

ĐBP - Thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô là tình trạng diễn ra thường xuyên tại nhiều thôn, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh. Thiếu nước sinh hoạt làm cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) kiểm tra bể chứa nước sinh hoạt.

Đến hẹn lại… thiếu nước

Cứ vào mùa khô hàng năm, gia đình chị Hạng Thị Pày, thôn Cáng Phình, xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) và các hộ dân trong bản lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù năm 2013 thôn được đầu tư 1 công trình nước sinh hoạt với thiết kế phục vụ nhu cầu sử dụng của hơn 300 người dân, song sử dụng được một thời gian ngắn thì không phát huy hiệu quả do thiếu nguồn cung cấp nước và thiên tai gây hỏng hóc.

“Để có nước sinh hoạt, gia đình tôi chung với một hai hộ dân khác góp tiền mua ống nhựa để dẫn nước từ khe suối về, rồi chia cho nhau dùng. Từng nhà thay nhau hứng nước chứa vào thùng phi. Những lúc nước khe ít không chảy về đến nơi được thì phải mang can lấy nước tận nguồn cách nhà vài cây số, nước này chỉ để ưu tiên sử dụng ăn, uống thôi.” - chị Pày cho biết.

Xã Lao Xả Phình có gần 500 hộ dân; 40% số dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Ông Giàng A Vảng, Chủ tịch UBND xã Lao Xả Phình cho biết: “Toàn xã hiện có 7 công trình nước sinh hoạt thì 2 công trình xuống cấp, hoạt động kém. Hiện nay trên địa bàn xã còn nhiều thôn bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô”.

Tủa Chùa là huyện đứng đầu toàn tỉnh về mức độ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Toàn huyện có 114 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, có 99 công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững; 15 công trình kém bền vững và không hoạt động. Tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) từ công trình cấp nước tập trung đạt 58,87%; tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước hộ gia đình chỉ đạt 18,7%. Hiện nay có 2.441 người thuộc phạm vi sử dụng nước từ các công trình cấp nước kém bền vững, không hoạt động.

Theo ông Hạng A Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cứ đến mùa khô các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình, Trung Thu, Xá Nhè… thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Nguyên nhân do các xã trên có địa hình đồi núi cao, địa chất kết cấu phức tạp, có nhiều hệ thống hang, động caster… nên dòng chảy trên mặt rất ít, đặc biệt trong mùa khô hạn từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm.

Theo báo cáo số 65/BC-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2020, tỉ lệ hộ nông thôn sử dụng HVS là 84,92%; trong đó tỉ lệ hộ sử dụng nước HVS từ công trình cấp nước tập trung là 51,26%, từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình là 33,66%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) là 11,41%; trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 10,79%, sử dụng từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình 0,62%. Tỉ lệ hộ nghèo sử dụng nước HVS là 88,83%; tỉ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch là 2,09%.

Cần những giải pháp căn cơ

Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu nước sinh hoạt, ông Hoàng Văn Tịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Hiện nay 100% các công trình nước sinh hoạt nông thôn đều là công trình cấp nước bằng hình thức tự chảy; quy mô công trình nhỏ, công nghệ đơn giản. Trong số 1.036 công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh chỉ có 844 công trình còn duy trì hoạt động (81,47%), còn 192 công trình không hoạt động (18,53%). Nguyên nhân các công trình không hoạt động là đa số được đầu tư từ năm 2006 trở về trước, đã bị hỏng, xuống cấp và hết niên hạn sử dụng nhưng chưa được thanh lý, xóa tên công trình. Đặc biệt, tại các xã, bản vùng cao, sau khi các công trình đầu tư và bàn giao về cho địa phương quản lý thì công tác quản lý, khai thác các công trình chưa được quan tâm đúng mức; ý thức trách nhiệm của người dân trong sử dụng, khai thác các công trình còn hạn chế. Khi bị hỏng nhỏ không kịp thời sửa chữa dẫn đến công trình bị hỏng lớn khó khắc phục. Thêm nữa là phần lớn các nguồn nước nơi có đập đầu mối công trình, người dân đang canh tác, làm nương gây cạn kiệt nguồn sinh thủy.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở vùng cao, trong thời gian tới, cần huy động nhiều nguồn lực lồng ghép các chương trình, dự án để duy tu sửa chữa các công trình cấp nước bị xuống cấp, hư hỏng nhẹ. Song song với đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Nước sinh hoạt nông thôn. Đối với các công trình được đầu tư xây dựng từ năm 2006 trở về trước bị hỏng, xuống cấp, hết niên hạn sử dụng cần tham mưu cho cơ quan thẩm quyền thanh lý, xóa tên công trình, bổ sung kinh phí để xây dựng công trình mới thay thế. Thực hiện phân cấp công trình, giao quản lý tài sản gắn với trách nhiệm của chủ công trình; tùy vào quy mô của công trình cấp nước mà có quy định hướng dẫn cho các chủ quản lý công trình cấp nước về quy trình tthẩm định, phê duyệt giá nước sạch nông thôn để triển khai thực hiện cho phù hợp với quy định và tình hình thực tế tại địa phương. Đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân bảo vệ nguồn nước và giữ rừng đầu nguồn, không làm nương trên đầu nguồn nước tránh làm cạn kiệt nguồn nước.

Cũng theo ông Tịnh, ngoài các chương trình, dự án đã và đang triển khai, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai Chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân vùng khan hiếm nước giai đoạn 2022 - 2025, sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số địa bàn.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top