Xây dựng xã, phường không có ma túy, mại dâm

07:26 - Thứ Năm, 24/06/2021 Lượt xem: 4136 In bài viết

ĐBP - Xây dựng, duy trì xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm (MTMD) là nội dung được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, đa dạng công tác tuyên truyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền; quyết liệt đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn là những nhiệm vụ trọng tâm.

Công an phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hướng dẫn người dân ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống ma túy. Ảnh: Phạm Dương

Theo thông tin từ Công an tỉnh, tính đến ngày 30/4/2021, toàn tỉnh có 8.859 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Người nghiện ma túy có tại hầu hết các địa bàn trong tỉnh, song tập trung phần lớn tại TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà… Người nghiện ma túy trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ phát sinh người nghiện mới tương đối thấp, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tệ nạn ma túy và đã thu được một số kết quả tích cực. Trong đó, xây dựng xã, phường không có tệ nạn MTMD được xem là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả.

Để xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn MTMD, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội. Từ đó giúp người dân nhận thức được tác hại của tệ nạn MTMD và tham gia tích cực vào công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng ngày càng có hiệu quả hơn. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy với nhiều hình thức phong phú. Cụ thể đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm điện ảnh Công an nhân dân, Truyền hình Kiểm sát xây dựng phóng sự tuyên truyền về “điểm sáng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” và cuộc đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ đưa 127 tin bài, phóng sự về công tác phòng, chống ma túy; gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Tổ chức 2.033 buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy và vận động 112.687 lượt quần chúng nhân dân tại địa bàn phức tạp về ma túy tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy. Phối hợp Đoàn thanh niên các trường học tổ chức tuyên truyền tọa đàm “Nói không với ma túy” cho 4.320 giáo viên, học sinh. Tổ chức tập huấn tuyên truyền về phòng, chống ma túy, phổ biến kiến thức pháp luật cho 560 tuyên truyền viên cơ sở; phát trên 14.500 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về tác hại của ma túy; treo 86 băng rôn, 130 tranh cổ động tuyên truyền phòng chống ma túy trên địa bàn.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước: ‘’Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư’’, ‘’Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội’’. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đăng ký thực hiện các nội dung về xây dựng xã, phường lành mạnh không có MTMD.

Một trong những nội dung xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn MTMD là thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy và quản lý người  nghiện ma túy sau cai nghiện tại nơi cư trú. Đây là nhiệm vụ luôn được đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc và cai nghiện tại cộng đồng cho gần 3.000 lượt người nghiện. Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy đã được chú trọng, 100% người cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú được hỗ trợ giáo dục hành vi nhân cách, tư vấn về tâm lý, hỗ trợ tạo việc làm. Xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình quản lý sau cai nghiện. Người sau cai nghiện ma túy được tư vấn cách phòng, chống tái nghiện, tránh kỳ thị; được hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định. Hiện nay, đã có 16 hộ gia đình có người nghiện ma túy vay vốn chăn nuôi, kinh doanh hàng tạp hóa phát huy hiệu quả, như: TP. Điện Biên Phủ có 4 hộ gia đình vay vốn để chăn nuôi lợn và 1 hộ vay vốn kinh doanh hàng tạp hóa với tổng số vốn vay 140 triệu đồng; huyện Điện Biên Đông có 7 hộ vay vốn chăn nuôi trâu, với tổng vốn vay 210 triệu đồng; huyện Mường Ảng có 5 hộ được vay tổng vốn 150 triệu đồng phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Thông qua việc xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn MTMD còn giúp các cơ quan chức năng nắm bắt địa bàn, hoạt động của các đối tượng liên quan đến ma túy. Từ đó xác lập kế hoạch đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm, đường dây tội phạm ma túy, mại dâm; ngăn chặn không để phát sinh tăng mới người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm ở xã, phường. Sự phối hợp của các ngành chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương đã từng bước kiềm chế, giảm thiểu tệ nạn xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 5 xã đạt tiêu chí “xã lành mạnh không có tệ nạn MTMD” gồm: Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ); Trung Thu (huyện Tủa Chùa); Pú Nhung, Tênh Phông và Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo); có 124 đơn vị cấp xã đạt tiêu chí xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top