Góc nhìn - Tiêu điểm

Biết bơi là chưa đủ

11:31 - Thứ Bảy, 03/07/2021 Lượt xem: 3790 In bài viết

ĐBP - Một người bạn gọi điện cho tôi: “Em sắp mở lại lớp dạy bơi sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19. Anh cho cháu đi học nhé!”

Chuyện cho các con đi học bơi trong kỳ nghỉ hè tôi đã có dự định. Trong một lần tụ họp gia đình dịp cuối năm học, mẹ tôi cũng khuyến khích đưa các cháu đi học bơi. “Hè này cả 5 cháu đều đi học bơi!” - bà nội “hạ chỉ” như vậy.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp nên kế hoạch cho các con đi học bơi cũng bị gác lại, vì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Từ đầu hè mấy đứa cháu tụ về nhà bà nội hết xem tivi thì lại ra vườn, trêu chó đuổi gà mà chẳng được đi đâu. Nay kế hoạch lại rậm rạp tái khởi động.

Cho trẻ học bơi là rất cần thiết. Ngoài yếu tố vui chơi, thoải mái tâm trí thì bơi mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ em: Phát triển thể chất hài hòa, tăng chiều cao và kỹ năng vận động; giúp trẻ rèn luyện sự tự tin; đặc biệt là rèn luyện khả năng tự bảo vệ an toàn bản thân trước nguy hiểm do đuối nước.

Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ đuối nước là do trẻ không biết bơi hoặc có thể biết bơi nhưng không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ đuối nước.

Trên địa bàn tỉnh ta, năm nào cũng xảy ra những vụ chết người do đuối nước, trong đó có trẻ em. Gần đây nhất, dù chưa vào mùa mưa lũ, cuối tháng 5 tại huyện Mường Ảng đã xảy ra vụ 2 cháu bé tử vong do đuối nước; đầu tháng 6 tại huyện Mường Nhé cũng có một cháu bé bị chết đuối.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân như: Cần nguồn ngân sách rất lớn để trang bị cơ sở vật chất, quỹ đất, đội ngũ giáo viên đủ trình độ... nên môn bơi chưa thể trở thành môn học bắt buộc trong các nhà trường.

Trong khi mục tiêu phổ cập bơi lội cho học sinh chưa thực hiện được thì không ít cha mẹ chưa quan tâm vấn đề cho con học bơi, nên nhiều em dù đã lớn nhưng không biết bơi.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do đuối nước bởi tính hiếu động, tò mò, thích khám phá. Các bậc cha mẹ cần cho con đi học bơi trong điều kiện có thể. Tuy nhiên phải minh định một điều: Không phải cứ biết bơi là không bị đuối nước. Nhiều trường hợp đuối nước do bị chuột rút, bị say nắng, bị cảm khi xuống nước và các nguyên nhân dẫn đến bị sặc, ngạt nước.

Do đó, ngoài việc dạy trẻ biết bơi thì cần thiết phải dạy các kỹ năng tự cứu, xử lý tình huống. Khi trẻ học bơi thì có thầy dạy bơi, có người lớn giám sát. Vấn đề quan trọng là giúp trẻ biết tự bảo vệ khi tiếp xúc với nước ở những khu vực ngoài bể bơi.

Cốt lõi để tránh, thoát đuối nước là kỹ năng xử lý tình huống! Nhiều trường hợp biết bơi nhưng do thiếu kỹ năng tự cứu, xử lý tình huống dẫn đến hoảng loạn mà chết đuối.

Thế nên, ngoài dạy và học bơi, mỗi bậc cha mẹ cũng phải cập nhật, trang bị cho chính mình những kiến thức, kỹ năng đối mặt với nguy hiểm dưới nước. Bởi sự thiếu hiểu biết hay nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ cũng là nguyên nhân dẫn tới sự chủ quan, lơ là của người lớn.

Các chuyên gia về lĩnh vực này đã đúc kết: “Có thể chết đuối vì không biết bơi. Biết bơi, thậm chí bơi giỏi vẫn có thể chết đuối. Chỉ khi biết kĩ năng phòng chống đuối nước mới không bị chết đuối.”

Vì vậy cùng với cho con học bơi, hãy cho con học kĩ năng phòng chống đuối nước. Điều đó giúp các con biết tự bảo vệ mình và giúp người gặp nạn đúng cách.

Duy Bình
Bình luận
Back To Top