Động lực để người Cống tự lực vươn lên

06:06 - Thứ Sáu, 09/07/2021 Lượt xem: 3308 In bài viết

ĐBP - Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2011 - 2020 (thực tế triển khai từ năm 2013) đã kết thúc và chưa có kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. 8 năm được trợ lực, đầu tư phát triển, hưởng các ưu đãi đặc thù, đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực trong mọi mặt cuộc sống.

Người dân tộc Cống bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.

Theo số liệu điều tra năm 2009, toàn tỉnh có 184 hộ với hơn 900 nhân khẩu người dân tộc Cống. Đến nay, đã có gần 230 hộ với hơn 1.150 nhân khẩu, sinh sống tập trung theo bản ở 3 huyện, gồm: Bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ), bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé), bản Huổi Moi, Si Văn và Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên). Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2011 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã ưu tiên đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, nhà lớp học phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Có 22 công trình đã được đầu tư (trong đó 8 công trình lồng ghép). Các bản đều được làm mới hoặc nâng cấp đường giao thông từ trụ sở xã. Cùng với đó mở 6 lớp tập huấn về kỹ thuật, kiến thức tổ chức sản xuất; tổ chức 6 chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm; hỗ trợ 425 lượt hộ với 850 triệu đồng mua giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp… qua đó nâng cao kiến thức và tư duy, năng lực sản xuất cho các hộ dân. Một trong những khó khăn của Đề án khi mới triển khai là đồng bào dân tộc Cống có trình độ hiểu biết thấp, tỷ lệ người biết tiếng phổ thông ít. Vì vậy, Đề án đã tổ chức đào tạo xóa mù chữ cho 190 người, hỗ trợ các điểm trường tại bản trang thiết bị dạy học, công cụ học tập. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần dân tộc Cống cũng được quan tâm, như: Hỗ trợ trang bị nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục và sản xuất nhạc cụ truyền thống, trang phục truyền thống, duy trì hoạt động đội văn nghệ bản, tổ chức lễ hội truyền thống…

Qua đầu tư, hỗ trợ đời sống đồng bào dân tộc Cống đã thay đổi nhiều. Anh Lò Văn Hán, Trưởng bản Lả Chà cho biết: Thụ hưởng từ Đề án, điện đã được kéo về bản, có đường bê tông vào bản và cầu treo kiên cố vào bản không phải sợ mưa bão nguy hiểm. Khu vực sản xuất của bà con cũng được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương. Người dân còn tham gia các lớp tập huấn, biết trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các giống lúa mới nên năng suất tăng đáng kể, đạt khoảng 50 tạ/ha (nâng bình quân lương thực đầu người lên gần 450kg/năm), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 34/78 hộ, trên 85% số hộ mua được ti vi, xe máy; 100% trẻ em được đến trường.

Bản Nậm Kè cũng vậy. Diện mạo thôn bản tươi sáng hơn. Gia đình anh Lò Văn Thiêm sắm máy xay ngô, cám làm thức ăn chăn nuôi, đầu tư nuôi lợn. Cũng từ đó có tiền sắm tivi, xe máy. Hay nhà anh Hù A Đẹp mới hoàn thiện ngôi nhà sàn khang trang nhất bản từ chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng lúa nước.

Sau nhiều năm triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên”, ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đánh giá: Nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh cơ bản được nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% năm 2012 xuống 52% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Người dân có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán; đại đa số đồng bào được tiếp cận cơ bản các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy…

Đề án kết thúc, người Cống đã có cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đảm bảo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; có hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm để tiếp thu thông tin, tiếp cận khoa học kỹ thuật; có nhiều nét đẹp văn hóa được khôi phục để gìn giữ, phát huy… Anh Lò Văn Hiệp, Trưởng bản Púng Bon cho biết: “Dù không còn Đề án nhưng bà con vẫn chủ động, duy trì tổ chức lễ tết lúa mới, tết Hoa truyền thống của dân tộc và đội văn nghệ bản. Vài năm gần đây, người dân chuyển từ trồng lúa nương sang tích cực khai hoang ruộng nước. Đến nay đã được hơn 10ha, hiện vẫn có nhiều hộ đang tiếp tục tận dụng các khe nước để khai hoang, mở rộng diện tích ruộng. Cây trên nương cũng trồng đa dạng ngô, sắn. Nhiều hộ đã thay đổi tư duy, muốn chuyển đổi trồng cây ăn quả trên nương nhưng chưa đủ vốn đầu tư. Nhiều hộ tích cực chăn nuôi gia súc, cả bản có gần 450 con trâu, bò. Vì thế, cuộc sống của chúng tôi đã khác trước rất nhiều. Nhà cửa ổn định, kinh tế tạm ổn, yên tâm sản xuất”.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua và các chính sách tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao đang được triển khai, đồng bào dân tộc Cống đã có thêm động lực, tiền đề để tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top