Nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7)

Cần nhiều hơn sự quan tâm đầu tư, chia sẻ

08:18 - Chủ Nhật, 11/07/2021 Lượt xem: 3892 In bài viết

ĐBP - Ngày 27/4/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2019/QĐ-BYT công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh, áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, trong số 33 tỉnh có mức sinh cao của cả nước, tỉnh Điện Biên đứng thứ 6. Nhân ngày Dân số Thế giới (11/7), phóng viên Báo Điện Biên Phủ đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh về vấn đề trên.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Chà triển khai chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ tới người dân xã Mường Tùng và Mường Mươn. Ảnh: C.T.V

Phóng viên (P.V): Vừa qua Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2019/QĐ-BYT công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh, áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2025; bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về thông tin này?

Bà Vũ Thị Thùy: Điện Biên đứng thứ 6 trong 33 tỉnh có mức sinh cao, đây không phải là thông tin bất ngờ. Do nhiều nguyên nhân, từ nhiều năm qua Điện Biên luôn là tỉnh mức sinh cao. Song đáng lưu tâm là, trung bình cả nước và ở nhiều tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác dân số, phát triển; nhiều tỉnh đã đạt mức sinh thay thế; nhưng Điện Biên vẫn đang mức sinh cao và cao hơn một số tỉnh trong vùng (Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ). 

Số liệu đến năm 2020, quy mô dân số trung bình của tỉnh Điện Biên là 612.320 người, tỷ lệ tăng bình quân là 1,79%; tỷ suất sinh thô 21,9%o; tỷ lệ phát triển dân số 1,77%. Tổng tỷ suất sinh bình quân của 1 phụ nữ là 2,72 con (cao hơn nhiều so với mức sinh trung bình của toàn quốc). Thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ, toàn tỉnh chỉ có huyện Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ và các xã vùng lòng chảo có mức sinh gần với mức sinh thay thế. Địa bàn còn lại, đều ở mức sinh cao. Cá biệt, huyện Mường Nhé, Nậm Pồ mức sinh là 3,6 - 3,7 con; Tủa Chùa, Điện Biên Đông 2,7 - 2,9 con. Như vậy là, có sự phân hóa rõ nét mức sinh giữa các vùng dân cư và tỷ lệ vùng dân cư có mức sinh cao toàn tỉnh chiếm gần 80%...

P.V: Đâu là nguyên nhân của thực tế trên thưa bà?

Bà Vũ Thị Thùy: Những năm qua, Đảng, Nhà nước; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác dân số và phát triển. Giai đoạn 2011 - 2020 đã có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác này phù hợp với điều kiện của địa phương và luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì thế, mạng lưới dân số - sức khỏe sinh sản đã được kiện toàn, củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Hiện Điện Biên đã sáp nhập trung tâm dân số - KHHGĐ cấp huyện vào trung tâm y tế huyện. Số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác dân số - sức khỏe sinh sản của các tuyến được nâng lên. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có viên chức dân số; 96,9% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi tại trạm và 31% số thôn, bản khó khăn có cô đỡ thôn bản hoạt động…

Tuy nhiên, Điện Biên là tỉnh miền núi, khó khăn, nhiều dân tộc cùng sinh sống (trên 82% là dân tộc thiểu số); tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông khó khăn. Số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ cao, đặc biệt nhóm có mức sinh cao (22 - 29 tuổi). Tâm lý, tập quán trọng nam khinh nữ, muốn đông con… của một bộ phận không nhỏ nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên vẫn còn. Nguồn phương tiện tránh thai miễn phí do Trung ương cấp ngày càng giảm, đôi khi cấp không kịp thời; đối tượng hưởng nguồn miễn phí bị thu hẹp, nguồn tiếp thị xã hội được cung cấp không thường xuyên, dịch vụ các biện pháp tránh thai lâm sàng chưa được triển khai rộng. Từ năm 2016 Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số - KHHGĐ chuyển sang Chương trình mục tiêu y tế - dân số nên kinh phí bị cắt giảm nhiều và chủ yếu từ nguồn trung ương hỗ trợ. Kinh phí địa phương hỗ trợ cho các hoạt động dân số - KHHGĐ cơ bản chỉ đáp ứng được nhiệm vụ chi thường xuyên và các chế độ, chính sách chi cho con người.

Bên cạnh đó, công tác dân số chưa được một số cấp ủy đảng quan tâm thỏa đáng; nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức; việc phối kết hợp trong tổ chức thực hiện ở một số cơ quan, ban ngành chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Cán bộ dân số ở một số xã thường xuyên thay đổi; trình độ, năng lực và kinh nghiệm hạn chế. Đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản chưa thực sự tâm huyết và luôn có sự thay đổi do thù lao quá thấp. Công tác tuyên truyền vận động tuy đã có sự đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự tìm ra được phương pháp phù hợp nên hiệu quả chưa cao tại các vùng dân tộc thiểu số…

P.V: Theo bà, cần có giải pháp gì để cải thiện, thay đổi những khó khăn, tồn tại trên?

Bà Vũ Thị Thùy: Tháng 4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1128/KH-UBND về kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Điện Biên thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Kế hoạch này đã đánh giá kết quả thực hiện chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản, giai đoạn 2011 - 2020; những vấn đề còn bất cập, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đặc biệt là kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 rất cụ thể, rõ ràng. Với góc độ cơ quan tham mưu cho Ngành Y tế về công tác dân số - KHHGĐ, tôi cho rằng cần đặc biệt quan tâm, vào cuộc làm tốt hơn nữa công tác truyền thông; có sự đầu tư đúng mức về kinh phí, cơ sở vật chất, hạ tầng và vấn đề nữa là quan tâm đến con người.

Về truyền thông, đã có nhiều lực lượng tham gia (các cơ quan báo chí; sở, ban ngành; cấp ủy, chính quyền các cấp…). Tuy nhiên, công tác truyền thông đã có nhiều chuyển biến, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Thể hiện rõ điều này là, vẫn còn những cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng, ảnh hưởng của vấn đề dân số - phát triển với sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Với nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế. Việc đầu tư về cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, cơ chế chính sách… cho công tác dân số, KHHGĐ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Nhất là cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề con người: Việc bố trí nhân lực; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ; có cơ chế chính sách để duy trì hoạt động của đội ngũ này hiệu quả. Những năm gần đây, hoạt động dân số gặp nhiều khó khăn, do các nguồn đầu tư cho hoạt động nâng cao chất lượng dân số bị cắt giảm; trong khi đòi hỏi thực tế cao hơn. Chỉ riêng về nhân lực, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh hiện chỉ có 13 người. Đặc biệt, hệ thống y tế thôn bản trước kia được bố trí mỗi thôn bản 1 người thì hiện nay chỉ còn hơn 800 người/1.441 thôn bản… 

P.V: Chủ đề của ngày Dân số Thế giới, năm nay theo tuyên bố của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) là “Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái”. Bà có chia sẻ gì về thông điệp này?

Bà Vũ Thị Thùy: Chủ đề này xuất phát từ thực tế diễn biến phức tạp, nguy hiểm của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. UNFPA xác định, nó có thể tác động lâu dài đối với vấn đề dân số: Làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải, phải thu hẹp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; phụ nữ không thể thực hiện được quyền SKSS và SKTD của mình;…

Thực tế ở Điện Biên chúng ta cũng thấy, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Các chiến dịch lớn về chăm sóc sức khỏe sinh sản; bổ sung vitamin, tẩy giun, tiêm phòng… có vai trò đặc biệt quan trọng về cả giá trị bảo vệ sức khỏe và truyền thông thay đổi hành vi đã không thể triển khai trọn vẹn vì thực hiện biện pháp phòng, chống dịch… Đây là khó khăn thiệt thòi lớn.

Tôi mong không phải chỉ trong thời điểm dịch bệnh, mà dù trong điều kiện hoàn cảnh nào vấn đề dân số và phát triển cũng được quan tâm nhiều hơn, vào cuộc thực sự để có những chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mai Thủy (thực hiện)
Bình luận
Back To Top