Nậm Pồ đảm bảo giao thông mùa mưa lũ

12:03 - Chủ Nhật, 25/07/2021 Lượt xem: 3391 In bài viết

ĐBP - Bước vào mùa mưa năm nay, huyện Nậm Pồ đã hoàn tất công tác chuẩn bị các phương án, phương tiện, máy móc để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại mưa lũ có thể gây ra đối với các công trình giao thông, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo điều kiện đi lại cho người dân.

Tuyến đường Chà Cang - Nậm Tin - Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) còn rất khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa.

Huyện Nậm Pồ có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở cùng với cấu trúc địa chất không ổn định, khi gặp mưa nhiều thường xảy ra tình trạng trượt, sụt, sạt đất đá gây ách tắc giao thông. Tình trạng trên tập trung tại các tuyến giao thông trọng yếu như: Chà Cang - Nà Khoa - trung tâm huyện; Nà Khoa - Na Cô Sa - Quảng Lâm; Nà Khoa - Nậm Nhừ; Nà Hỳ - Vàng Đán - Nà Bủng... Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay từ đầu năm UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch đảm bảo giao thông các tuyến đường năm 2021 với các phương án đảm bảo giao thông mùa mưa, lũ với phương châm “4 tại chỗ”. Huyện cũng rà soát hiện trạng, lên phương án các tuyến đường dự kiến đảm bảo giao thông trong năm 2021 gồm các tuyến đường chính, như: Tuyến  Chà Cang - Trung tâm huyện dài 33km; xã Nà Khoa - xã Na Cô Sa dài 22km; tuyến đường vào các bản: Lai Khoang, Sam Lang (xã Nà Hỳ) dài 13,5km… Tổng chiều dài các tuyến đường dự kiến là 160km.

Với các tuyến đường huyện, xã bị hư hỏng, huyện huy động lực lượng hót sạt lở đất, đá, phát quang, bù phụ cấp phối mặt đường, bổ sung kè rọ đá, nạo vét bùn rác, sửa chữa các cống, rãnh dọc 2 bên đường, các ngầm tạm, cầu, cống qua suối bị hư hỏng. Còn với các tuyến giao thông do xã quản lý, các xã tự tổ chức người dân đi phát quang 2 bên đường, hót sạt lở đất đá, sửa chữa các cống, rãnh dọc 2 bên đường… từ trung tâm xã đến các bản, đường liên bản, nội bản. Trừ trường hợp những tuyến đường bị hư hỏng nhiều, khối lượng sụt sạt quá lớn, xã không xử lý được phải báo cáo đề xuất nhanh về UBND huyện để có phương án khắc phục. Hệ thống cầu treo dân sinh cũng được UBND các xã huy động lực lượng tại chỗ phát quang 2 đầu cầu, hót sạt đường vào đầu cầu, duy tu bảo dưỡng hệ thống kết cấu trước, trong và sau mùa mưa. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc rà soát, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn, tuổi thọ khai thác đối với công trình cầu treo trên địa bàn huyện.

Huyện Nậm Pồ cũng đã chủ động xây dựng các phương án đảm bảo giao thông trên cơ sở đánh giá hiện trạng, dự báo những tuyến đường có khả năng xảy ra sạt lở để triển khai tới các phòng, ban, UBND các xã trên địa bàn huyện. Các tuyến đường huyết mạch, các phòng, ban chuyên môn phối hợp với thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của huyện, các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra. Đồng thời, UBND các xã trên địa bàn thành lập tổ, đội, thực hiện công tác phát quang đảm bảo giao thông với thời gian mỗi tháng một lần. Khi xảy ra các tình huống sạt lở, UBND các xã cử cán bộ xác minh vị trí sạt lở, mức độ sạt lở lập báo cáo gửi về UBND huyện; đồng thời huy động máy móc, người dân tạm thời nạo vét, tạo lối đi cho người đi bộ và xe 2 bánh đi được. Phòng Kinh tế - Hạ tầng có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện mời các cơ quan, đơn vị liên quan đến kiểm tra hiện trường, lập biên bản xác định khối lượng, đề xuất biện pháp khắc phục. Huyện đặt mục tiêu trong tình huống sạt lở xảy ra, các tuyến đường đến trung tâm xã phải được thông tạm để ô tô có trọng tải dưới 5 tấn có thể đi được; các tuyến đường đến các bản thông tạm để xe máy có thể đi lại được. Đối với tuyến đường giao thông đi các bản, những đoạn đường, vị trí khó khăn về địa hình, cách thức xử lý và không có khả năng thực hiện thủ công thì các xã có thể linh hoạt sử dụng nguồn ngân sách xã để thực hiện việc khắc phục.

Ông Nguyễn Phú Thiết, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, từ đầu tháng 4 đến nay, xã đã huy động lực lượng thanh niên và người dân tổ chức kiểm tra, khắc phục một số đoạn hư hỏng thuộc các tuyến đường, đoạn qua địa bàn xã. Xã cũng đã xây dựng kế hoạch, lên phương án; chủ động lực lượng tại chỗ để xử lý khi có mưa lũ. Trong đó, giao rõ nhiệm vụ cho từng bản, đoạn đường thuộc bản nào thì bản đó phải quản lý và thực hiện duy tu, khắc phục khi có sự cố xảy ra. Khi bị sụt sạt gây ách tắc giao thông, xã chủ động nắm tình hình và khắc phục các điểm sạt lở nhỏ, đối với các điểm sạt lở với khối lượng lớn, xã báo cáo UBND huyện để kịp thời có phương án xử lý. Xã cũng đặt mục tiêu đảm bảo thông suốt, an toàn các tuyến đường; giảm tối đa thiệt hại, ách tắc khi có sự cố xảy ra, giúp nhân dân đi lại thuận tiện trong mùa mưa lũ.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top