Nhiều ngôi mộ trùng tên trong Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập

16:59 - Thứ Hai, 26/07/2021 Lượt xem: 4540 In bài viết

ĐBP - Bao năm đau đáu với biết bao chuyến ngược ngàn mới tìm được mộ người thân hy sinh vì Tổ quốc nhưng mới đây thân nhân của liệt sĩ yên nghỉ trong Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập ngỡ ngàng phát hiện có thêm phần mộ được lắp bia trùng tên, địa chỉ, quê quán người thân mình. Vậy người thân của gia đình nằm đâu trong 2 phần mộ?

Anh, chị em ông Nguyễn Viết Quý bên phần mộ lâu nay vẫn được xác định là liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ (mộ số 1).

Hai ngôi mộ - một dòng tên

Gia đình ông Nguyễn Viết Quý (Hà Nội), em trai liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ (Đại đội trưởng Đại đội 78, Tiểu đoàn 387, Sư đoàn 308) hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mất 40 năm mới tìm được phần mộ anh mình tại Nghĩa trang Liệt sỹ Độc Lập. Gần 30 năm qua, hầu như năm nào gia đình cũng có người thân lên thăm viếng, thắp hương, “hàn huyên” bên mộ anh. Thế nhưng gần đây, gia đình ông Quý mới biết có thêm 1 bia mộ cùng trong Nghĩa trang, số thứ tự 1.285 mới được khắc trùng thông tin liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ. Chỉ có quê quán là thông tin cũ từ khi gia đình chưa sửa đổi (trước là Vĩnh Phúc, đã sửa thành Hà Nội). Gia đình đã báo cáo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên để tìm hướng xử lý nhưng vẫn có niềm tin chắc chắn rằng ngôi mộ mà gia đình chăm nom bao năm nay mới chính là một phần xương thịt của anh mình.

Ông Nguyễn Viết Quý đã gần 90 tuổi nhưng khá minh mẫn, kể lại: Sau Lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1994), tôi từ Hà Nội lên Điện Biên rồi đi cùng người quen lên thị xã Lai Châu (cũ), sang Sở Thương binh - Xã hội yêu cầu cho xem các cuốn sổ lưu danh sách các liệt sĩ an táng rải rác ở nhiều nơi, lúc chưa quy tập về một nghĩa trang chung. Cán bộ của Phòng Chính sách sau khi lục tìm trong hồ sơ lưu, đưa cho tôi một quyển vở cũ, giấy đen trong có ghi danh sách liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập. Tôi mở ra, trang đầu vẽ sơ đồ mộ chí, bên cạnh là những dòng viết tay thứ tự số mộ. Lật sang trang 2, tôi như không tin vào mắt mình tên anh tôi Nguyễn Viết Quỳ ghi ở dòng đầu tiên, số thứ tự 1 với những thông tin đầy đủ, chính xác. Tiếp đến là các liệt sĩ khác cùng đơn vị của anh, tổng cộng có 35 liệt sĩ. Mừng quá, người tôi run lên, vội vàng lấy giấy bút vẽ lại sơ đồ, ghi chép đầy đủ danh tính các liệt sĩ. Sau đó tôi có hỏi các anh trong Ban Liên lạc Tiểu đoàn 387, trong đó có nhiều anh từng ở Đại đội 78 đều xác nhận toàn bộ danh sách liệt sĩ đều đúng là người của Tiểu đoàn, riêng Đại đội 78 có 24 liệt sĩ. Tôi trở lại Điện Biên Phủ, ra ngay Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập, các ngôi mộ được bố trí theo đúng thứ tự sơ đồ mà tôi đã xem. Khi đã xác định được theo sơ đồ tên tuổi các liệt sĩ, gia đình tôi tìm cách thông tin cho các thân nhân khác cùng đơn vị anh tôi theo địa chỉ của từng liệt sĩ, có địa chỉ không liên lạc được, cũng có thân nhân gửi thư lại rồi lên tìm được mộ người nhà mình. Sau đó gia đình tôi đặt làm các tấm đá, khắc họ tên, quê quán, ngày hy sinh của từng người cùng đơn vị anh tôi, đưa lên Điện Biên gắn vào mặt sau mộ đúng như trong hồ sơ lưu trữ”.

Nhớ lại hành trình “tìm lại tên” cho anh trai mình cùng các đồng đội, ông Nguyễn Viết Quý càng thêm buồn khi sau hơn 1 năm do dịch bệnh không lên thăm mộ được, tháng 4 vừa rồi quay trở lại Điện Biên thì phát hiện sự việc trùng tên như đã nêu trên. Không chỉ liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ mà cả Đại đội 78 còn nhiều liệt sĩ có mộ trùng tên. Thay vì các phần mộ nối tiếp số và liền sát nhau, cùng khu cùng dãy thì các ngôi mộ trùng tên ở rải rác trong Nghĩa trang. Liệt sĩ Phạm Chu Mai (Điện Bàn, Quảng Nam) mộ số 22 có mộ trùng số 1.278; Đỗ Văn Ngân (Nông Cống, Thanh Hóa) mộ số 23 có mộ trùng 1.279; Bùi Văn Cấp (Kiến An, Hải Phòng) mộ 24 trùng mộ 1.281; Đỗ Văn Thi (Yên Thế, Bắc Giang) mộ 18 có mộ trùng số 1.240; Hoàng Quang Vinh (Sơn Động, Tuyên Quang) mộ 20 trùng mộ 1.276; Đồng Văn Vóc (Phổ Yên, Thái Nguyên) mộ số 12 trùng mộ 1.232; Phạm Phú Bẩy (Thanh Miện, Hải Dương) mộ 13 trùng mộ 1.233; Ngô Văn Sắt (Thuận Thành, Bắc Ninh) mộ 14 trùng mộ 1.234; Nguyễn Hồng Chanh (Thanh Ba, Phú Thọ) mộ số 19 trùng mộ 1.275; Hoàng Văn Hóa (Nam Trực, Nam Định) mộ số 11 trùng mộ 1.231.

Trả lại đúng tên cho các anh

Quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập cũng xác nhận có nhiều ngôi mộ trùng tên. Trước đây đa phần là mộ chưa rõ danh tính. Nhưng từ năm 2020 thay bia mới, cập nhật thông tin theo hồ sơ lưu trữ, nhiều phần mộ được gắn tên thì mới phát hiện ra sự trùng lặp này.

Trao đổi với Phòng Chính sách - Thương binh, liệt sĩ và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), chúng tôi được cung cấp các sổ sách, tài liệu liên quan, đặc biệt là Danh sách Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập theo sơ đồ chưa đổi cổng trước năm 1995. Trong cuốn sổ đã ngả màu thời gian, việc trùng lặp đã được thể hiện rõ trên tài liệu từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chính xác từ thời điểm nào thì không ai rõ. Trong số gần 20 thông tin trùng lặp mà chúng tôi thống kê được sơ bộ, thì chỉ có duy nhất liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ là có thay đổi quê quán từ Vĩnh Phúc thành Hà Nội cho đúng với địa chỉ gia đình. Còn lại thông tin các liệt sĩ khác đều giữ nguyên gốc.

Trong Nghĩa trang Liệt sĩ Độc lập, có 2 ngôi mộ liệt sĩ Phạm Phú Bẩy và 2 ngôi mộ liệt sĩ Ngô Văn Sắt (cùng Đại đội 87, Tiểu đoàn 387, Sư đoàn 308), đặt ở 2 vị trí khác nhau.

Bà Lò Thị Thoa, Trưởng phòng Chính sách - Thương binh, liệt sĩ và Bảo trợ xã hội cho biết: “Trước Nghĩa trang này do UBND huyện Điện Biên quản lý. Từ năm 2003 mới bàn giao cho Sở quản lý. Những bút tích này đều từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện ghi. Khi chúng tôi nhận bàn giao đã có việc trùng tên rồi”. Đồng thời cho rằng hầu hết gia đình liệt sĩ thường xuyên lên thăm viếng biết việc trùng tên này nhưng cho tới nay chưa có gia đình nào yêu cầu xác minh lại phần mộ thân nhân. Bà Thoa cũng cho biết thêm: “Đây là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, mọi việc thay đổi thông tin bia mộ đều phải có sự chấp thuận từ Bộ Quốc phòng. Phương án bây giờ là xét nghiệm ADN xác định phần mộ. Nếu gia đình nào có nhu cầu, thì đơn vị sẽ hướng dẫn làm thủ tục và tạo điều kiện. Thủ tục xét nghiệm ADN cũng không khó và đối với trường hợp là liệt sĩ thì hoàn toàn miễn phí”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Quý lại khẳng định gia đình ông không hề biết về việc trùng lặp thông tin mộ trong suốt mấy chục năm qua và gia đình các liệt sĩ khác cùng đơn vị liệt sĩ Quỳ cũng đều chưa nắm được sự việc này. Ông Quý chia sẻ thêm: “Hiện thân nhân gần gũi của nhiều liệt sĩ đã không còn, hoặc quá già yếu. Có gia đình cả vợ, con liệt sĩ đều đã mất; có liệt sĩ chưa lập gia đình, anh em đã già yếu hoặc không còn. Bởi thế, việc liên lạc, thông tin cho gia đình họ biết để yêu cầu xác minh lại là rất khó”. Thân nhân liệt sĩ Đồng Văn Vóc tại Thái Nguyên cũng khẳng định: Gia đình không biết có mộ trùng tên với người nhà mình. Nhiều năm nay, gia đình cũng không có điều kiện, sức khỏe lên thăm viếng mộ liệt sĩ.

Riêng đối với phần mộ anh trai mình, thì ông Quý cho biết gia đình sẽ không yêu cầu xét nghiệm ADN. “Vì tôi còn lưu giữ sao chép sơ đồ của nghĩa trang từ thời thuộc tỉnh Lai Châu cũ, việc quy tập do lực lượng quân đội thực hiện và an táng cả đơn vị cùng 1 khu nên rất đáng tin cậy. Anh em tôi đều đã trên dưới 90 tuổi rồi, gần 30 năm nay vẫn có niềm tin “sắt đá” anh tôi nằm dưới ngôi mộ số 1. Tuy nhiên, đối với phần mộ bị nhầm lẫn, trùng lặp khác thì mong muốn cơ quan quản lý kiểm tra, xác minh làm rõ” – ông Nguyễn Viết Quý cho hay.

Làm sao để tên các anh được trả về cho đúng người, đó không chỉ là mong mỏi của riêng gia đình thân nhân liệt sĩ mà của cả dân tộc. Ai cũng mong mỏi, các liệt sĩ mãi được yên giấc trong lòng đất mẹ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần thông tin cho thân nhân liệt sĩ, phối hợp với các gia đình để xác định đúng phần mộ liệt sĩ.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top