Để chính sách hỗ trợ lao động triển khai hiệu quả, kịp thời

08:52 - Thứ Năm, 12/08/2021 Lượt xem: 3326 In bài viết

ĐBP - Trong cuộc họp trực tuyến mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh triển khai chậm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ (Nghị quyết số 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 23). Các cơ quan, sở, ngành liên quan cần vào cuộc tích cực, nhanh chóng, kịp thời triển khai chính sách nhân văn, ý nghĩa này.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên tuyên truyền tới khách hàng chính sách vay vốn ưu đãi.

Sau khi chính sách được ban hành, UBND tỉnh Điện Biên đã có Kế hoạch số 2316/KH-UBND ngày 26/7 triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó cụ thể danh mục công việc, điều kiện, mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng. Đồng thời phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đơn vị, cơ quan liên quan. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các phòng, đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã triển khai tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Theo rà soát sơ bộ đến ngày 5/8, dự kiến toàn tỉnh có 14.386 người lao động, sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng với dịch bệnh thuộc diện được hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 15,9 tỉ đồng. Tuy nhiên đây mới là số tổng hợp sơ bộ chưa đầy đủ các nhóm đối tượng và các địa bàn. Các huyện đang tiếp tục rà soát, đề xuất các trường hợp và kinh phí.

Thực tế trên địa bàn bàn tỉnh ta đến ngày 6/8, trong 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 thì mới chỉ có 1 nhóm triển khai được. Đó là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (do Bảo hiểm xã hội chủ trì) với 663 đơn vị sử dụng lao động, 7.963 người lao động, kinh phí hỗ trợ trên 200 triệu đồng. Các nhóm đối tượng khác, theo báo cáo thì chưa có đơn vị, cá nhân nào nộp hồ sơ đề nghị. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ đều đã được quy định rõ trong Quyết định số 23. Chính sách thông thoáng, cởi mở, trình tự, thủ tục đơn giản, tạo điều kiện tối đa để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận, địa phương dễ triển khai. Vì vậy các ngành, huyện, thị, thành phố cần bắt tay nhanh chóng vào thực hiện, giải quyết theo phương châm chỉ đạo từ Trung ương là “thủ tục tiếp nhận chỉ có bớt chứ không có thêm, thời gian giải quyết chỉ có giảm chứ không có tăng”. Những nhóm đối tượng, nội dung liên quan đến Sở, chúng tôi cũng khẩn trương tham mưu, ban hành văn bản, triển khai các công việc trong tuần, sớm có kết quả bằng số liệu hỗ trợ cụ thể”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ viên chức hoạt động, nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch. Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Viên chức hoạt động nghệ thuật do Sở quản lý không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh do chuyển hướng hoạt động tập luyện tại đơn vị, xây dựng kế hoạch chương trình biểu diễn, vẫn nhận lương. Còn đối với hướng dẫn viên du lịch, Sở đã cấp thẻ hướng dẫn viên nội địa và quốc tế cho 40 cá nhân, hoạt động trên phạm vi cả nước. Ngày 3/8, Sở mới nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tiên của 1 hướng dẫn viên du lịch, với mức 3,71 triệu đồng. Sở đang tiếp tục tuyên truyền để các trường hợp còn lại nếu bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục làm hồ sơ gửi về”.

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Điện Biên cũng chủ trì nội dung cho vay vốn ưu đãi để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, Quyết định 23. Từ giữa tháng 7, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Chi nhánh Điện Biên đã nhanh chóng triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, tuyên truyền với các địa bàn, người sử dụng lao động bằng nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên đến ngày 5/8 vẫn chưa có khách hàng nào được vay vốn theo chính sách này. Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Điện Biên, cho biết: “Ngân hàng luôn chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, tích cực hỗ trợ tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục. Nhưng đến nay, mới chỉ có 3 đơn vị sử dụng lao động đến liên hệ, nắm bắt thông tin. Trong đó, 1 đơn vị không thuộc đối tượng thụ hưởng, 1 đơn vị có quá ít lao động có đóng bảo hiểm xã hội nên không có nhu cầu vay nữa. Còn 1 doanh nghiệp vận tải đủ các điều kiện vay vốn ưu đãi đang được bộ phận chuyên môn theo sát giúp đỡ hoàn thiện hồ sơ thủ tục vay vốn”.

Các sở, ngành, cơ quan, UBND cấp huyện chủ trì hỗ trợ những nhóm đối tượng khác cũng đang vào cuộc triển khai. Trao đổi chung của các đơn vị về khó khăn trong công tác thực hiện là có những người lao động, hộ kinh doanh không mặn mà, dù được hướng dẫn, vận động nhưng không làm hồ sơ đề xuất hỗ trợ. Đây cũng là tồn tại từ năm 2020 khi triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta. Đối tượng thụ hưởng nhiều nhưng số người nhận hỗ trợ ít. Vì vậy công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh biết đến các chính sách ưu đãi, nhân văn này, cùng các trình tự, thủ tục cần được các cơ quan, cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh. Đồng thời theo sát hướng dẫn, giúp đỡ, để chính sách đến được với người dân kịp thời, phát huy hiệu quả, ý nghĩa, giúp người lao động, sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top