Thanh tra Chính phủ sẽ đánh giá kết quả chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương

16:13 - Thứ Sáu, 20/08/2021 Lượt xem: 2232 In bài viết

Để việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng được chính xác, khách quan và thực chất, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 59 theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương trước khi tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sáng nay (20/8), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ban hành Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật

Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 59/2019/NĐ-CP (Nghị định 59) phát sinh một số hạn chế, bất cập như quy định việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh tự đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng nhưng không quy định cơ quan kiểm tra, đánh giá kết quả, dẫn tới đến việc đánh giá không chính xác, thiếu khách quan và còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Bộ Công an cũng chỉ ra một số quy định của Nghị định 59 chưa phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Để việc ban hành Nghị định được nhanh chóng, bảo đảm tính liên tục của các quy định pháp luật, dự thảo Nghị định được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59 ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng được xây dựng dựa trên những quan điểm và phạm vi sửa đổi như: Bám sát các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật có liên quan; tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung có sai sót về lỗi chính tả, kỹ thuật trình bày văn bản để bảo đảm tính pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung; đồng thời, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Về bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định pháp luật, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 21 như sau: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đánh giá của ngành, cấp mình và gửi kết quả đánh giá để Thanh tra Chính phủ kiểm tra, đánh giá và tổng hợp. Kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng được sử dụng để xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trình Chính phủ, Quốc hội.

Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương còn thiếu chính xác

Theo Thanh tra Chính phủ, quy định này xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Từ năm 2016 đến nay, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thí điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh. Thanh tra Chính phủ đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá, tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng chống tham nhũng. Các địa phương đều đã triển khai thực hiện, xây dựng hồ sơ và có báo cáo tự đánh giá. Thực tế cho thấy, tình trạng tự đánh giá của các địa phương còn thiếu chính xác, thiếu căn cứ diễn ra khá phổ biến. Hằng năm, Thanh tra Chính phủ đều phải kiểm tra, đánh giá lại kết quả tự đánh giá của các địa phương, rà soát hồ sơ, đối chiếu những căn cứ, bằng chứng cụ thể để bảo đảm tính chính xác, khách quan của kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương. Cách làm này vừa đề cao trách nhiệm của các địa phương và vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

Sau khi được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát kết quả đánh giá, chỉ ra những sai sót trong việc đánh giá, các địa phương đều tiếp thu và chấp thuận kết quả đánh giá của Thanh tra Chính phủ, kể cả những trường hợp có sự thay đổi lớn so với kết quả tự đánh giá của địa phương. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hằng năm đã được Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các địa phương, có tác dụng tốt đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Điều 21 Nghị định số 59 quy định các bộ, ngành, địa phương gửi kết quả đánh giá cho Thanh tra Chính phủ để tổng hợp mà không quy định việc Thanh tra Chính phủ kiểm tra kết quả đánh giá sẽ dẫn đến việc chấm điểm mang tính hình thức, sẽ có những địa phương vì thành tích mà tự đánh giá không chính xác, khách quan. Để khắc phục vấn đề này, năm 2020, 2021, Thanh tra Chính phủ báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá nêu trên. Tuy nhiên, việc chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá của Thủ tướng trong năm 2020 và 2021 chỉ là văn bản cá biệt, được thực hiện theo từng năm nên chưa bảo đảm căn cứ pháp lý để Thanh tra Chính phủ thực hiện thường xuyên, liên tục.

Do vậy, để việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng được chính xác, khách quan và thực chất, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 59 theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương trước khi tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn và đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.

P.V (theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top