Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

08:22 - Thứ Sáu, 27/08/2021 Lượt xem: 4692 In bài viết

ĐBP - Thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên, thời gian qua trên địa bàn huyện xuất hiện một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, chướng hơi dạ cỏ, lép tô... đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò đã làm thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Hải, thôn Thanh Hồng 7, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình.

Tính đến hết tháng 7, toàn huyện có 102 thôn, bản có gia súc, gia cầm mắc các loại dịch bệnh. Riêng dịch tả lợn châu Phi, tính từ đầu năm đến tháng 8, dịch bệnh đã xảy ra ở 132 hộ thuộc 61 thôn, bản, thuộc 17 xã trên địa bàn huyện, với 607 con lợn chết (chưa kể số mắc bệnh), với tổng trọng lượng tiêu hủy 32.295kg. Cùng với đó, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang có chiều hướng gia tăng. Đến ngày 2/8, dịch bệnh đã xảy ra tại 13 xã (Mường Lói, Mường Nhà, Na Tông, Pa Thơm, Mường Pồn...) làm 110 con mắc bệnh, 1 con bò chết. Từ đầu năm đến nay, một số loại bệnh dịch thông thường khác cũng xảy ra trên địa bàn huyện, làm nhiều con gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết như: bệnh tụ huyết trùng làm gần 100 con lợn mắc bệnh; lở mồm long móng, chướng hơi dạ cỏ làm trên 80 con mắc bệnh... Trên đàn gia cầm xuất hiện rải rác gia cầm mắc bệnh hen suyễn, phân xanh, phân trắng...

Theo ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên: Để tăng cường công công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật xuống các xã nắm tình hình, tham mưu cho UBND các xã về công tác phòng chống dịch bệnh; kết hợp với UBND các xã tiêu hủy, lấy mẫu bệnh phẩm các loại gia súc, gia cầm bị chết nghi bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Đồng thời, phối hợp với, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã tổ chức kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người dân công tác vệ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng, cách ly vật nuôi bị ốm nghi mắc các loại dịch bệnh. Với các hộ dân có vật nuôi nhiễm bệnh cần tuân thủ nghiêm quy trình phun khử trùng khu vực ra, vào chuồng trại, không tự ý chữa trị cho đàn gia súc. Tại các hộ chưa có gia súc nhiễm bệnh cần giữ gìn vệ sinh môi trường, chuẩn bị đầy đủ thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tăng cường giám sát và thông báo kịp thời khi phát hiện vật nuôi có biểu hiện nghi nhiễm bệnh. Cùng với tuyên truyền, đơn vị làm tốt công tác tiêm, phun phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, các xã đã triển khai tiêm được khoảng 7.000 liều vắc xin. Đồng thời, phối hợp làm tốt công tác quản lý về xuất, nhập đàn vật nuôi ra vào địa bàn để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh.

Theo ông Kiên, thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò... Tiếp tục tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh mới, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi đề phòng nguy cơ tái phát dịch và các bệnh dịch phát sinh mới. Tập huấn nâng cao năng lực về công tác phòng chống dịch bệnh cho cán bộ thú y xã.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top