Hậu phương vững cho tuyến đầu mạnh

06:26 - Thứ Năm, 09/09/2021 Lượt xem: 4650 In bài viết

ĐBP - Hàng chục cán bộ y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của tỉnh Điện Biên đã tình nguyện lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Không trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 nhưng những người chồng, người vợ, người mẹ của những người xung phong lên tuyến đầu luôn là hậu phương vững chắc, là động lực tinh thần quan trọng để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Chị Lò Thị Thắm chăm sóc 2 con gái trong thời gian chồng tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh.

Là một trong những người có chồng là cán bộ y tế tham gia hỗ trợ đợt 1 nơi tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, chị Lò Thị Thắm (nữ hộ sinh Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo) hiểu hơn hết những vất vả của chồng chị - anh Lò Văn Hải, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo) khi anh tham gia công tác chống dịch Covid-19 nơi xa. Chị vẫn nhớ như in ngày tiễn chồng vào tâm dịch, đến nay đã hơn 30 ngày chồng chị cùng đoàn bác sĩ đầu tiên của tỉnh lên đường chi viện giúp miền Nam.

Chồng đi chống dịch xa nhà, bản thân chị Thắm cũng công tác trong ngành Y, công việc tại Bệnh viện, rồi chăm sóc 2 cô con gái nhỏ càng bận rộn hơn. Trong căn phòng tập thể nhỏ nhưng ấm cúng gần khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, chị Thắm chia sẻ: Chồng tham gia trực tiếp chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng thực hiện nhiệm vụ được giao và đảm bảo phòng dịch ở địa phương. Mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều vì mục tiêu chung là sớm đẩy lùi dịch bệnh, góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Với cường độ làm việc căng thẳng, những giây phút thảnh thơi của anh Hải và các y, bác sĩ tại tâm dịch là vô cùng hiếm hoi. Vì thế hầu như tôi và các con không dám làm phiền anh bằng những cuộc điện thoại, mà chỉ thông qua dòng tin nhắn “một chiều” hỏi thăm, động viên. Khi nào nghỉ ngơi, anh mới có thể chủ động gọi về, gặp gia đình qua cuộc gọi video ngắn ngủi, hỏi thăm vợ đi làm thế nào, con gái lớn vào lớp 1 có bỡ ngỡ, hào hứng không? Còn em Ỉn (con gái thứ 2 mới 17 tháng tuổi của anh chị Hải Thắm) đang mọc răng có ăn ngoan, có quấy mẹ không...?

Thời gian anh Hải vắng nhà mọi công việc gia đình, con cái dồn lên vai chị Thắm. Bắt đầu ngày mới từ 5 giờ sáng và kết thúc khi trời đã về khuya. Dù vậy, chị luôn tự nhủ bản thân phải lo toan, chăm sóc chu đáo cho các con để chồng yên tâm công tác.

Thấu hiểu những vất vả của những gia đình có người thân tham gia công tác chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo cũng tạo điều kiện, quan tâm đời sống cán bộ công nhân viên.

Bác sĩ Chuyên khoa II Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo cho biết: Trong 2 đợt hỗ trợ vừa qua, đơn vị có 5 cán bộ tình nguyện tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Trường hợp chị Thắm là 2 vợ chồng cùng công tác tại đơn vị có hoàn cảnh khó khăn hơn cả, con nhỏ lại chưa có nhà riêng nên Trung tâm tạo điều kiện về chỗ ở và bố trí linh hoạt lịch trực. Ngoài ra, cán bộ, y, bác sĩ trong đơn vị cũng thường xuyên tới gia đình động viên chia sẻ.

Trong hỗ trợ đợt 1 (ngày 1/8), ngay khi đến TP. Hồ Chí Minh, đoàn cán bộ y tế tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các đoàn công tác khác tiếp nhận Bệnh viện Dã chiến số 2, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, phụ trách 4 tầng của tòa nhà với trên 500 giường bệnh. Trung bình mỗi ngày, các thành viên thực hiện công tác khám, điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân nhiễm Covid-19; định kỳ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho bệnh nhân; tiếp nhận bệnh nhân mới vào điều trị; làm thủ tục cho bệnh nhân đã khỏi bệnh ra viện, hướng dẫn bệnh nhân về tiếp tục thực hiện cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà... Công tác tại môi trường mới, cán bộ, y, bác sĩ Điện Biên luôn đoàn kết, nêu cao y đức, trách nhiệm của người thầy thuốc; tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ. Đằng sau những cán bộ y tế nhiệt huyết đó là gia đình, người thân với những hi sinh, đóng góp thầm lặng trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19. Dù ở vị trí nào, bác sĩ, điều dưỡng hay kỹ thuật viên thì hàng ngày phải đối diện với rất nhiều rủi ro, nguy cơ cao từ dịch bệnh. Bởi vậy, cuộc sống gia đình ổn định sẽ là hậu phương vững chắc để những người đang ở tuyến đầu chống dịch yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hơn 50 cán bộ y tế của tỉnh Điện Biên đang ngày đêm tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Phía sau họ là hơn 50 gia đình, câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau từ TP. Điện Biên Phủ đến các huyện vùng cao như: Tủa Chùa, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Nhé... Sự thiếu vắng của người cha, người mẹ, người vợ, người chồng ít nhiều cũng làm xáo trộn cuộc sống gia đình một thời gian. Song vượt qua những khó khăn, vất vả đó, họ biết rằng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài nên những người nơi hậu phương luôn nỗ lực là điểm tựa tinh thần vững chắc để cùng tuyến đầu chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top