Mô hình tốt - cách làm hay

Nâng cao hiệu quả quản lý nhóm tiết kiệm tại cộng đồng

06:20 - Thứ Sáu, 10/09/2021 Lượt xem: 3700 In bài viết

ĐBP - Mô hình “Nhóm tiết kiệm” do cộng đồng tự quản (ASCA) được Chương trình vùng Tủa Chùa (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam) triển khai tại các xã Mường Báng, Sính Phình, Tủa Thàng, Xá Nhè và thị trấn Tủa Chùa. Mô hình có quy mô 99 nhóm, 1.564 thành viên tham gia đã mang lại những hiệu quả tích cực như: Giúp thành viên được tiếp cận các nguồn vốn vay quy mô nhỏ với thủ tục đơn giản để phát triển sinh kế hộ gia đình; giúp người dân trong cộng đồng thay đổi hành vi và tư duy về tiết kiệm, đặc biệt là đối với những hộ nghèo; tăng cường tình đoàn kết giữa các thành viên. Sau một thời gian hoạt động mô hình đã gặp những khó khăn về việc ghi chép phức tạp, nhiều biểu mẫu cần phải thực hiện tính toán, dễ sai sót trong quá trình tất toán hoạt động. Đặc biệt là mất thời gian cho trưởng nhóm ghi chép sổ sách và công tác quản lý kết quả hoạt động của nhóm.

Nhóm Tiết kiệm do cộng đồng tự quản thôn Phai Tung, xã Mường Báng sinh hoạt nhóm.

Để khắc phục hạn chế đó, Chương trình vùng Tủa Chùa đã thí điểm ứng dụng Dream Save được cài đặt trên điện thoại thông minh để theo dõi và quản lý sinh hoạt của các nhóm ASCA. Ứng dụng bắt đầu triển khai từ cuối tháng 3/2021, thí điểm tại 4 nhóm với 86 thành viên tại các thôn, bản: Tỉnh B, xã Xá Nhè (2 nhóm), Phai Tung, xã Mường Báng (1 nhóm), Tà Là Cáo, xã Sính Phình (1 nhóm). Hoạt động thử nghiệm tại nhóm dân tộc Thái và dân tộc Mông để có những so sánh kết quả trong quá trình thực hiện. Đến nay đã thực hiện được 5 lần họp và sao lưu lên hệ thống.

Ông Nguyễn Xuân An, cán bộ Chương trình vùng Tủa Chùa cho biết: Sau 4 tháng triển khai ứng dụng, tại hội thảo sơ kết thí điểm triển khai quản lý ứng dụng, ban chủ nhiệm nhóm và các thành viên đã nêu lên nhiều ưu điểm khi sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh trong quản lý như: việc ghi chép trên ứng dụng thuận tiện hơn rất nhiều so với cách thức ghi chép truyền thống bằng sổ sách; ứng dụng trực quan, dễ sử dụng, các bước thực hiện cuộc họp rõ ràng; kết quả được cập nhật luôn cho các thành viên qua tin nhắn về số dư tiết kiệm, số nợ phải trả (nếu có) tạo sự tin tưởng cho các thành viên. Việc sử dụng ứng dụng khá đơn giản, việc số hóa đã giảm ghi chép, rõ ràng về số tiền lãi, tất toán, thời gian trả vốn...

Tính đến nay, tổng số tiền tiết kiệm và số vốn giải ngân cho vay của các nhóm thử nghiệm là hơn 54 triệu đồng. Đã có 28/86 lượt thành viên trong các nhóm được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, đầu tư cho con học tập hoặc khám chữa bệnh. Sau 4 tháng triển khai đã kết nạp mới 5 thành viên tham gia các nhóm sử dụng ứng dụng trên điện thoại.

Chị Chu Thị Hương, Trưởng nhóm ASCA thôn Phai Tung, xã Mường Báng cho biết: Từ khi thực hiện việc sinh hoạt tiết kiệm bằng ứng dụng trên điện thoại tôi thấy nhàn hơn vì không phải ghi chép nhiều; thao tác nhanh, rõ ràng; trong các cuộc họp được nhận kết quả ngay nên mọi người rất ủng hộ.

Thời gian tới, Chương trình vùng Tủa Chùa tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và các xã mục tiêu đã xây dựng kế hoạch, nhân rộng việc sử dụng ứng dụng nhằm thay đổi dần cách thức quản lý nhóm tiết kiệm theo hình thức truyền thống, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và duy trì nhóm.

Bài, ảnh: Tuệ Linh
Bình luận
Back To Top