Nhiều công nhân, người lao động chưa được nhận hỗ trợ

14:27 - Thứ Sáu, 17/09/2021 Lượt xem: 2793 In bài viết

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 7% đoàn viên, người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ. Vẫn còn rất nhiều công nhân, người lao động đang gặp nhiều khó khăn, do đó Tổng LĐLĐVN đề nghị dùng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động, đồng thời nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Công đoàn chi hơn 4,3 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động

Trong báo cáo kết quả chăm lo, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 lần thứ tư của Tổng LĐLĐVN ngày 15/9, tính đến ngày 13/9, đã có 44.554 ca mắc COVID-19 là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 51 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 129 người tử vong do mắc COVID-19 và do tiêm vaccine. Trên 2 triệu công nhân phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 13/9, Công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375,882 tỉ đồng, trong đó: Chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hơn 1.121 tỉ đồng; Chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 333 tỉ đồng; Chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 hơn 293 tỉ đồng; Chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 (gồm hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch trên 200 tỉ đồng; chi các hoạt động khác hỗ trợ lực lượng tuyến đầu gần 31 tỉ đồng); Chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động tham gia sản xuất "3 tại chỗ" tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên 1.000 tỉ đồng; Chi trực tiếp tại các công đoàn cơ sở theo các mức ban hành chung từ trước đối với người lao động khó khăn trên 1.396 tỉ đồng.

Tính đến ngày 11/9, Tổng LĐLĐVN đã nhận được báo cáo của 27 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho 1.163.017 đoàn viên, người lao động với số tiền hỗ trợ là trên 1.677 tỉ đồng và có 170.640 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 1.068 tỉ đồng.

Đề xuất dùng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Theo con số của Tổng LĐLĐVN, dù dịch COVID-19 khiến hàng triệu công nhân, người lao động bị mất việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng nhưng số người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 còn rất thấp. Cụ thể đến nay mới có hơn 1,163 triệu đoàn viên, người lao động trong tổng số 16,2 triệu người được thụ hưởng, tức mới chỉ chiếm 7,1%. Chính vì thế, hiện một số lượng lớn công nhân, người lao động vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vì thế Tổng LĐLĐVN đề nghị bổ sung thêm đối tượng người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia BHXH cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) nêu trong Nghị quyết số 68 của Chính phủ và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… cũng được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 68 của Chính phủ.

“Hiện nay, doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30% - 50% người lao động, do đó có một bộ phận lớn người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ. Tổng LĐLĐVN đề nghị những đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68”, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của Tổng LĐLĐVN cho biết.

Một đề xuất đáng chú ý nữa của Tổng LĐLĐVN là dùng nguồn kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động. Theo Tổng LĐLĐVN, Chính phủ vừa có báo cáo về tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 chuyển sang năm 2021 là hơn 89 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, số kết dư của Quỹ ốm đau, thai sản năm 2021 cũng đang có gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng hơn 789.100 tỷ đồng...

Do đó, Tổng LĐLĐVN đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách xã hội, gói an sinh mới thiết thực, hiệu quả hơn cho người lao động trong thời gian tới.

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top