Điện về Nặm Lịch

Niềm vui chưa trọn vẹn

10:16 - Thứ Bảy, 18/09/2021 Lượt xem: 14664 In bài viết

ĐBP - Ngày 12/9, thêm 3 bản vùng cao của xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) được đóng điện. Những chiếc bóng đèn, quạt điện, ti vi... làm bừng sáng, xôn xao, rộn ràng cả bản xa. Niềm vui có điện tưng bừng dưới từng mái nhà, tuy nhiên chưa thực sự vẹn tròn khi còn một số người dân của xã tham gia thi công công trình cấp điện này vẫn chưa được thanh toán tiền lao động.

Ông Mùa A Sùng, bản Thẩm Phẩng bên chiếc máy xúc của gia đình đã tham gia thi công đường điện, còn 60 triệu đồng tiền thuê máy chưa được thanh toán.

Hân hoan điện về...

“Hôm nay đóng điện cả 3 bản Thẩm Phẩng, Pá Khôm và Huổi Lướng. Tổng 151 công tơ. 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia rồi. Vui quá phóng viên ạ!” - là chia sẻ ngay trong ngày 12/9 của Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch Hà Minh Tiến.

Ngày đầu tiên có điện lưới quốc gia, bản Huổi Lướng xôn xao tiếng chuyện trò, cười nói đến tối muộn. Mỗi ngôi nhà đều sáng trưng ánh đèn và đâu đó tiếng nhạc bập bùng. Đây là lần đầu tiên người dân Huổi Lướng được dùng điện lâu đến thế. Anh Hờ Tồng Nếnh, Trưởng bản chia sẻ: “Trước đây cả bản có 29 hộ thì chỉ có 8 hộ lắp được điện nước do khó khăn về nguồn nước. Vài hộ mua tấm pin năng lượng mini về dùng nhưng cũng chỉ thắp sáng được 1 - 2 tiếng buổi tối. Hầu hết người dân phải đưa điện thoại xuống nhà người quen ở bản dưới sạc nhờ. Giờ có điện dùng rồi, ai cũng phấn khởi”.

Tại bản Pá Khôm, ngay sau khi đóng điện, nhiều người dân tập trung đến nhà ông Chá Chùng Già, Chá Chùng Chịa, Lầu Thị Dung... xem ti vi. Đây đều là những chiếc ti vi được người dân Pá Khôm sắm đã nhiều năm. Trước đây, một số hộ dân Pá Khôm sắm ti vi về sử dụng nhưng nguồn điện nước không đủ đáp ứng, màn hình lúc lên lúc tắt. Có hộ đóng ti vi vào hộp cất đi đã lâu. Ông Chá Chùng Già chia sẻ: “Nghe xã, bản thông báo ngày 12/9 đóng điện, tôi lau chùi, kiểm tra ti vi, chỉnh lại vị trí đẹp nhất giữa nhà, chỉ chờ có điện là bật lên cho mọi người cùng xem”.

... tiền công chưa được trả

Dòng điện mong mỏi bao lâu cuối cùng đã được kéo đến từng nhà khiến ai nấy đều mừng vui. Nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn với một số người. Họ là những lao động làm thuê cho tổ thợ nhận khoán thi công xây dựng công trình cấp điện đến nay vẫn chưa được nhận đủ tiền công. Bản Thẩm Phẩng có 9 người bị nợ tiền công. Người nhiều thì 22,5 công, ít thì 1 buổi với số tiền 200.000 đồng/ngày công. Thẩm Phẩng là bản vùng cao, hầu hết là hộ nghèo, dù nửa công (100.000 đồng) cũng đáng quý với người dân. Anh Chá Nỏ Tạ còn 6,5 công chưa được thanh toán. Gia đình anh Tạ là hộ nghèo, nuôi mẹ già không tỉnh táo và 7 con nhỏ đều trong tuổi ăn học. Anh Tạ cho biết: “Nhà nghèo quá, họ gọi đi đào hố, kéo cột làm đường điện thì bỏ việc nhà, việc nương đi làm, mong kiếm thêm vài đồng chi tiêu. Nhưng làm từ rất lâu rồi đến nay người ta không trả, vào đầu năm học cũng không có tiền mua bút vở cho con”.

Riêng anh Mùa A Sùng cùng bản còn bị thiếu nợ 60 triệu đồng tiền thuê máy xúc. Anh Sùng kể: “Họ thuê tôi dùng máy xúc sửa đường, đào móng, vận chuyển cột, dựng cột... từ ngày 24/7 - 22/8/2020. Tôi đã ứng trước hơn 20 triệu đồng tiền dầu mỡ, gần 10 triệu đồng thuê người lái máy. Đợi chờ mãi, liên hệ nhiều mà chỉ nhận được câu trả lời doanh nghiệp trốn mất rồi nên bên nhận khoán chưa có tiền trả cho tôi”. Ngoài ra, nhà thầu cũng còn nợ 1 hộ dân bản Lịch Nưa (xã Nặm Lịch) là anh Lò Văn Loan tiền chở vật liệu hơn 180 triệu đồng. Điều đáng nói là người dân làm thuê cho tổ thợ đều dựa trên lời nói, không có hợp đồng. Anh Lò Văn Loan cũng chỉ làm biên bản ký với giám đốc nhà thầu mà không có dấu đỏ hay chứng thực của UBND xã.

Công nhân Công ty Điện lực kiểm tra, đấu nối đường dây điện thuộc khu vực bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Được biết công trình cấp điện cho các bản: Thẩm Phẩng, Pá Khôm và Huổi Lướng thuộc Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Quy mô xây dựng mới trên 7,8km tuyến đường dây trung áp 35kV; 3 trạm biến áp với công suất 206,5kVA; gần 9km đường dây hạ áp 0,4kV, lắp mới 258 công tơ với hơn 11km dây dẫn từ công tơ về hộ gia đình. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Xây lắp điện Tuần Giáo - Công ty TNHH 11. Công ty TNHH 11 (tổ dân phố 2, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) lại hợp đồng giao khoán thi công công trình cấp điện bản Thẩm Phẩng, Huổi Lướng cho tổ thợ của ông Lường Văn Tưởng (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng). Ông Tưởng thuê nhân công tại địa bàn triển khai, chủ yếu là người dân Thẩm Phẩng.

Công trình khởi công từ ngày 2/4/2020, song do một số khó khăn nên đến tháng 9/2020 tạm dừng thi công. Sau đó đến tháng 3 - 4/2021, Công ty TNHH 11 xin thanh lý, chấm dứt hợp đồng gói thầu, được chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán. Nhưng bên nhận khoán và người dân địa bàn đều không hay biết. Ông Lường Văn Tưởng cho biết: “Sau khi ký hợp đồng nhận khoán, tôi chi hơn 700 triệu đồng để trả công thợ, nguyên vật liệu, thuê máy móc. Tôi không biết chủ đầu tư nghiệm thu, thanh lý hợp đồng từ khi nào. Chỉ đến khi Sở Công Thương xuống xã Nặm Lịch họp, thông báo nhà thầu mới, tôi mới biết. Hiện Công ty vẫn còn nợ tôi hơn 1,2 tỷ đồng, nhưng tôi không thể liên lạc được với Giám đốc là ông Đinh Văn Tẹo. Tôi cũng đã đi tìm và làm đơn trình báo lên cơ quan công an, chính quyền nhưng chưa có kết quả. Hiện còn một số công của người dân, tôi không còn khả năng chi trả do đã bán xe, bán đất xoay xở trả nợ”.

Liên hệ với Sở Công Thương, ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở cho biết: “Từ thời điểm khởi công công trình đến khi nghiệm thu khối lượng, thanh toán và thanh lý hợp đồng, Sở không nhận được bất kỳ phản ánh hay khiếu nại nào của người dân và chính quyền địa phương liên quan đến nợ tiền nhân dân của Công ty TNHH 11. Chỉ đến ngày 15/4/2021, Sở đến xã Nặm Lịch triển khai các công việc còn lại của gói thầu cho nhà thầu mới, được chính quyền xã phản ánh vấn đề trên. Sở đã chủ động liên hệ với Giám đốc Công ty TNHH 11 để làm rõ bằng nhiều hình thức, như: Đến trụ sở, đến nhà riêng, gọi điện… rất nhiều lần. Tuy nhiên Giám đốc Công ty đã rời khỏi Điện Biên, bán nhà riêng và cắt đứt mọi thông tin liên lạc. Do vậy việc làm rõ, giải quyết nội dung trên là vô cùng khó khăn. Giữa Sở và Công ty cũng đã không còn mối liên quan nào”. Sở Công Thương và chính quyền địa phương hiện hướng dẫn người dân bị Công ty TNHH 11 nợ tiền tổng hợp, trình báo đến cơ quan công an.

Khi nhà thầu mới tiếp nhận dự án, một số người dân trên địa bàn đã không đồng thuận cho thi công mà yêu cầu phải thanh toán xong tiền lao động nhà thầu cũ còn nợ. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương nên công trình mới có thể tiếp tục hoàn thành. Giờ điện đã về thắp sáng từng nhà, dù chậm nhiều tháng so với kế hoạch đề ra. Đây là bài học kinh nghiệm về quản lý dự án, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án cho cả chủ đầu tư và chính quyền địa phương cũng là bài học cho người lao động về thỏa thuận, giao kết hợp đồng, dù là công trình dự án triển khai ngay tại địa bàn mình sinh sống.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top