Đổi mới quy hoạch để phát triển bền vững

08:23 - Thứ Năm, 23/09/2021 Lượt xem: 4058 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, khai thác được các tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển đô thị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn chiến lược, tính khả thi, có quy hoạch vừa phê duyệt đã phải điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn; đặc biệt tỷ lệ phủ của quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung còn thấp so với trung bình cả nước.

Một góc đô thị huyện Mường Chà.

Quy hoạch đi trước một bước

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 21/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, công tác quy hoạch xây dựng đô thị được chú trọng, quan tâm và đi trước một bước, góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 10 đô thị, trung tâm huyện lỵ và 100% các đô thị đã lập quy hoạch chung hoặc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị. Trên cơ sở đó, các quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị từng bước được triển khai, như: Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm hành chính chính trị tỉnh thuộc khu đô thị phía Đông, TP. Điện Biên Phủ (Khu B); quy hoạch chi tiết xây dựng xây dựng khu trung tâm thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng); quy hoạch chi tiết xây dựng các khu tái định cư Nậm Cản, Cơ Khí, Lay Nưa, Chi Luông, Đồi Cao trên địa bàn TX. Mường Lay thuộc Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La…

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung triển khai đối với những quy hoạch mang tính chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh, như: Quy hoạch vùng tỉnh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên bố trí nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị, nhất là đối với đô thị TP. Điện Biên Phủ. Hiện nay, quy hoạch phân khu đã được triển khai trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, với tỷ lệ phủ quy hoạch phân khu là 36,67%.

Các đồ án quy hoạch đã xác định rõ chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và yêu cầu về tổ chức không gian, kiến trúc cho toàn khu vực quy hoạch; bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng, thiết kế đô thị làm cơ sở cho công tác lập và quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư, chỉnh trang, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng. Cùng với đó, tạo cơ sở, điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát để xem xét đề xuất đầu tư các dự án phát triển đô thị. Nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đến nay tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 25,8%, vượt 25% mục tiêu đề ra tại Kết luận số 03-KL/TU ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU.

Khắc phục tồn tại, hạn chế

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác quy hoạch phát triển đô thị chung tỉnh chưa thực sự đáp ứng kịp so với nhu cầu phát triển kinh tế;  tỷ lệ phủ của quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung còn thấp so với cả nước (tỷ lệ trung bình trên toàn tỉnh mới đạt 42,32%). Một số đô thị tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung từ năm 2012 nhưng công tác tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) triển khai rất chậm, kéo dài. Đơn cử như thị trấn Tủa Chùa, thời điểm phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch từ tháng 6/2014 đến 6/2017 mới phê duyệt được quy hoạch chi tiết; thị trấn Điện Biên Đông, thời điểm phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết là tháng 7/2017 nhưng đến đầu năm 2019 mới hoàn thành xong bước khảo sát địa hình...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất ít đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chưa có nhiều kinh nghiệm và đáp ứng được yêu cầu về công tác lập quy hoạch. Do đó chủ yếu các đơn vị tư vấn tại Hà Nội tham gia lập quy hoạch chi tiết, nhưng do giao thông đi lại xa, khó khăn, đồng thời việc nắm bắt hiện trạng cũng như quá trình quản lý quy hoạch, phát triển tại từng đô thị rất hạn chế nên phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần làm kéo dài thời gian lập quy hoạch. Trong quá trình triển khai các dự án theo đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung đô thị được duyệt, một số khu vực chưa phù hợp với thực tế và nguồn lực kinh tế thực hiện theo từng giai đoạn cũng như các hình thức đầu tư trong giai đoạn hiện nay; một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bố trí tái định cư theo quy hoạch được duyệt dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết (Quy hoạch chi tiết thị trấn Mường Ảng; quy hoạch chi tiết đô thị mới huyện lỵ Nậm Pồ).

Bên cạnh đó, hiện nay còn 5/10 đô thị, huyện lỵ chưa có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đây là cơ sở để cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị và làm căn cứ để xác lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt. 

Để thu hút đầu tư, phát triển đô thị, thời gian tới cần sớm khắc phục tồn tại, hạn chế trên; kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch để nắm bắt tổ chức lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết phù hợp với thực tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện, quy hoạch xã và các đồ án quy hoạch xây dựng tại các khu vực đô thị đã được công nhận xếp loại đô thị. Hoàn chỉnh quy hoạch các phân khu, tăng cường triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu vực đô thị mới. Ưu tiên các nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho công tác lập quy hoạch chi tiết tại các đô thị trong tỉnh, nâng tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top